Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã tính toán kỹ khi điều chỉnh giá điện

Ngày 31/7/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 19/2013/TT-BCT quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện. Theo đó, giá điện bình quân sẽ được điều chỉnh lên mức 1.508,85 đồng/kWh, tăng 71,85 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng. Đây là lần đầu tiên trong năm 2013, Bộ Công Thương cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện. Lần điều chỉnh gần nhất là ngày 22/12/2012.

Từ 1/8, giá điện được điều chỉnh tăng 5% so với giá bình quân đang áp dụng - Ảnh PV

Trao đổi xoay quanh vấn đề này, ông Đặng Huy Cường– Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Áp lực từ việc tăng các chi phí đầu vào trong sản xuất điện của EVN là rất lớn.

Cụ thể, từ ngày 20/4/2013, giá than bán cho điện đã tăng từ 37 – 40% và tiếp tục áp lực tăng giá than bán cho điện trong quý III/2013 sẽ làm tăng chi phí mà EVN mua điện từ các nhà máy điện chạy than khoảng 4.000 tỷ đồng trong quý III/2013.

Thứ 2, EVN đang nợ Tổng công ty Khí quốc gia (PV Gas) trên 3.000 tỷ đồng do chưa thu xếp được nguồn tiền khí phải trả vượt trên bao tiêu giai đoạn 2009 - 2012.

Thứ 3, EVN cần đến hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện cải tạo lưới điện nông thôn nhằm nâng cao chất lượng lưới điện nông thôn, nâng cao độ tin cậy cung ứng điện và một số yếu tố khác.

Chính yếu tố này sẽ cần thiết phải điều chỉnh giá điện cho EVN từ 1/8 để EVN bù đắp một phần chi phí tăng thêm cũng như để EVN cải thiện tình hình tài chính nhằm huy động một lượng vốn để đầu tư từ bây giờ đến năm 2020. Theo tính toán, EVN phải cân đối khoảng 130.000 tỷ đồng hàng năm để đầu tư vào các công trình nguồn và lưới điện mới. Ngoài ra, giá điện được điều chỉnh cũng tạo điều kiện để thu hút các thành phần khác đầu tư vào các công trình nguồn điện, góp phần đảm bảo an ninh cung ứng điện.

Chính vì vậy, việc điều chỉnh giá điện 5% từ 1/8/2013 đã được Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính cân nhắc rất kỹ để giảm thiểu tác động đến kinh tế vĩ mô cũng như đến sinh hoạt của người dân. Qua việc điều chỉnh giá điện lần này tạo điều kiện để EVN bù đắp 1 phần chi phí đã nêu ở trên.

Ông Cường cho biết, chủ trương của Đảng và Nhà nước về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là chủ trương nhất quán trong những năm vừa qua và những năm tới. Việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường tức là tất cả các chi phí đầu vào phải được tính đúng, tính đủ để tạo ra giá bán điện cuối cùng cho người sử dụng điện. "Tuy nhiên, ở đây chúng tôi khẳng định việc quản lý các chi phí đầu vào là rất quan trọng bởi nếu chúng ta quản lý tốt chi phí đầu vào trong việc sản xuất kinh doanh điện thì sẽ giảm áp lực tăng giá điện trong tương lai" - ông Cường khẳng định.


  • 02/08/2013 09:28
  • Vũ Chang
  • 2946


Gửi nhận xét