Tiết kiệm năng lượng, kiến tạo tương lai xanh

Để hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải, trung hòa carbon vào năm 2050 như Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26, thì mỗi người dân, doanh nghiệp phải coi việc tiết kiệm năng lượng là nhu cầu tự thân. Đó cũng là một trong những giải pháp để kiến tạo tương lai xanh, phát triển bền vững.

Giảm chi phí kinh doanh từ việc tiết kiệm điện

Là doanh nghiệp kinh doanh xe ôtô tải và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa ở tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thành Thái - cho biết, trước đây, để phục vụ cho hoạt động sản xuất, công ty sử dụng 12 máy điều hòa tổng có công suất lớn, 3 máy nén khí với tổng công suất 300 kWh và nhiều thiết bị máy móc khác tiêu tốn rất nhiều điện năng. Bình quân mỗi tháng, tiền điện "ngốn" từ 25-30 triệu đồng.

Với chi phí điện chiếm tới gần 10% giá trị sản xuất, ông Tùng cho rằng, đây là áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp, đòi hỏi chúng tôi phải xoay đủ mọi cách để tiết giảm, tiết kiệm năng lượng.

Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu các giải pháp, ông Tùng cho hay, công ty đã tổ chức kiểm toán năng lượng, tìm ra những khu vực, khâu sản xuất có mức tiêu thụ điện lớn, đánh giá thực trạng và nghiên cứu biện pháp để tiết kiệm điện.

Tổ cơ điện khảo sát lại cụ thể từng vị trí để lắp hệ thống dây điện cho phù hợp nhu cầu; thay đổi kết cấu tường và mái nhà xưởng nhằm tận dụng gió trời, ánh sáng tự nhiên, đồng thời thay thế bóng điện từ huỳnh quang sang compact, led có mức tiêu thụ điện thấp. Tất cả máy móc đều được đầu tư mới, chính hãng có công nghệ inverter tiết kiệm điện.

"Việc lắp đặt thiết bị tiết kiệm điện không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn giúp cho máy móc, thiết bị hoạt động ổn định, hiệu quả và tăng thời gian khai thác. Chúng tôi còn áp dụng biện pháp hành chính để đạt được mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Công ty xây dựng quy trình sản xuất, nội quy, quy định về vận hành máy móc, sử dụng điện và giao cho các bộ phận quản lý, người lao động thực hiện" - ông Tùng nói.

Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp tiết kiệm điện, công ty đã giảm được chi phí tiền điện xuống còn 13 - 15 triệu đồng/tháng mà vẫn tăng được hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Doanh thu năm 2021 của công ty đạt 154 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2020; trong đó, bình quân mỗi tháng công ty bảo dưỡng, sửa chữa 500 lượt xe và bán được 18 xe ôtô tải các loại.

Tiết kiệm năng lượng là công cụ then chốt giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu Net zero

Ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - nhấn mạnh, tiết kiệm năng lượng là công cụ then chốt giúp Việt Nam tiến tới mục tiêu Net zero (phát thải ròng về 0) vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu toàn cầu COP26.

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống. Bên cạnh đó, tiết kiệm năng lượng cũng là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế,

Bà Kristina Bünde - Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam - cho biết, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đây là một mục tiêu đầy tham vọng rất đáng hoan nghênh. Để đạt được mục tiêu này, ngành năng lượng sẽ cần phải được chuyển đổi, vì ngành năng lượng hiện đang đóng góp khoảng 60% vào lượng phát thải.

Theo bà Kristina Bünd, cơ hội tiết kiệm năng lượng có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi, tại nơi làm việc và ở nhà, thường chỉ cần những khoản đầu tư rất nhỏ hoặc chỉ cần thay đổi tư duy… ai cũng đều có thể đóng góp.

"Liên minh Châu Âu sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hướng tới một tương lai sạch, xanh và bền vững. Chúng tôi cung cấp chuyên môn, kỹ thuật trong các lĩnh vực như hiệu quả năng lượng, hỗ trợ năng lượng tái tạo, dữ liệu năng lượng và an ninh năng lượng. Tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng một cách khôn ngoan, hiệu quả là đặc điểm cốt lõi trong hỗ trợ của chúng tôi" - bà Kristina Bünde nhấn mạnh.

Link gốc