Nhà nước sẽ hỗ trợ người dân hạ du sông Đà bị thiệt hại sau xả điều tiết lũ

Đó là khẳng định của ông Văn Phú Chính - Cục trưởng Cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai xung quanh việc một số hộ nuôi cá lồng ở hạ du sông Đà bị ảnh hưởng sau khi Thủy điện Hòa Bình thực hiện xả điều tiết lũ những ngày qua.

Ông Văn Phú Chính - Cục trưởng Cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT)

PV: Thưa ông, trước tiên xin ông cho biết vì sao Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình lại phải thực hiện xả điều tiết lũ trong thời gian vừa qua?

Ông Văn Phú Chính: Trong thời gian vừa qua, khu vực phía Bắc có mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm lưu lượng nước về hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình rất lớn.

Chính vì thế, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã yêu cầu NMTĐ Hòa Bình, Sơn La phải mở một số cửa xả đáy, đồng thời tăng cường phát điện hết công suất qua các tổ máy với mục đích đảm bảo an toàn công trình, hạ thấp mực nước hồ chứa để sẵn sàng đón lũ chính vụ.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc xả lũ không chỉ bảo vệ cho nhà máy thủy điện mà còn bảo vệ cho người dân phía hạ du trong mùa lũ chính vụ. Nếu không xả lũ mà có sự cố xảy ra thì sẽ trở tay không kịp và thiệt hại về người và tài sản sẽ vô cùng lớn.

Việc Ban Chỉ đạo thực hiện xả điều tiết lũ là thực hiện nhiệm vụ trong Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, Thủy điện Hòa Bình phải chịu trách nhiệm về việc cá nuôi lồng của nhiều hộ dân ở vùng hạ du bị chết khi đơn vị này thực hiện xả điều tiết lũ. Quan điểm của ông như thế nào? 

Ông Văn Phú Chính: Đúng là khi hồ Thủy điện Hòa Bình tiến hành xả điều tiết lũ đã làm cho lượng nước sông Đà tăng nhanh, lượng bùn nhiều và tốc độ dòng chảy lớn dẫn đến cá nuôi lồng ở hạ du sông Đà của người dân vùng hạ du bị sặc và chết.

Tôi xin chia sẻ với những mất mát của bà con, bởi đối với mỗi gia đình đó là những mất mát, thiệt hại kinh tế tương đối lớn.

Tuy nhiên, đây là một dạng thiên tai chứ không phải do lỗi của Thủy điện Hòa Bình. Thủy điện Hòa Bình đóng hay xả lũ trong mùa mưa bão đều thực hiện theo lệnh của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai.

Trước khi tiến hành lệnh cho hồ Thủy điện Hòa Bình xả lũ, chúng tôi đã mời các đơn vị liên quan, các nhà khoa học họp bàn cân nhắc rất nhiều phương án mới đi đến quyết định này.

Ngoài ra, trước 1 tuần khi thực hiện xả lũ (ngày 11/7), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT Nguyễn Xuân Cường đã có văn bản thông báo đến các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng ở phía hạ du khẩn trương thực hiện thu hoạch sản xuất nhằm giảm thiểu thiệt hại do xả lũ.

Cùng với đó, trước thời gian xả lũ các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tiếp đưa tin, cảnh báo có khả năng xả lũ. Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy đã đi kiểm tra, vận động bà con thu hoạch thủy sản. Tuy nhiên, thiệt hại vẫn xảy ra, xét tổng thể không lớn nhưng lại lớn đối với mỗi hộ gia đình.

 PV: Vậy trong trường hợp này, người dân có được Nhà nước hỗ trợ thiệt hại không, thưa ông?

Ông Văn Phú Chính: Tôi xin nhấn mạnh thêm, đây là một dạng thiên tai, các hộ dân sẽ được nhận tiền hỗ trợ chứ không phải bồi thường hay đền bù. Các chủ hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại sẽ được hưởng các chính sách theo Nghị định 02 ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Theo Nghị định này, lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ từ 7,1 triệu - 10 triệu đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 30% - 70% được hỗ trợ từ 3 triệu - 7 triệu đồng /100 m3 lồng.

Diện tích nuôi cá nước lạnh (cá tầm, hồi) thâm canh bị thiệt hại trên 70% được hỗ trợ từ 35,5 triệu - 50 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70% được hỗ trợ từ 15 triệu - 35 triệu đồng/ha.

Các địa phương có chủ hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại cần thống kê, tổng hợp danh sách và mức độ thiệt hại để UBND tỉnh hỗ trợ từ ngân sách dự phòng của địa phương. Nếu số tiền hỗ trợ vượt quá khả năng của tỉnh, tỉnh cần báo cáo lên Trung ương để có cơ chế hỗ trợ người dân.

PV: Theo ông, người dân hạ du cần có thêm những giải pháp gì để hạn chế thấp nhất mức thiệt hại nếu thủy điện tiếp tục thực hiện xả điều tiết lũ?

Ông Văn Phú Chính: Thông thường, thời điểm từ 15/6 là bắt đầu vào mùa mưa bão ở miền Bắc, người dân cần có phương án thu hoạch hoặc tiến hành các biện pháp khác nhằm giảm thiệt hại khi nước lũ dâng cao.

Rút kinh nghiệm trong năm nay, các năm sau, từ ngày 15/6 đến 1/9 (tức mùa mưa bão ở phía Bắc), dù có xả lũ hay không xả lũ, chúng tôi yêu cầu các địa phương phải đảm bảo dòng chảy được thông suốt. Mọi hoạt động sản xuất, nuôi trồng phải được thu hoạch trước ngày 15/6 để tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra.  

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 27/07/2017 04:28
  • Huyền Thương (thực hiện)
  • 7216