Máy điều hòa đắt khách, thợ điện trực xuyên ca

Nắng nóng bất thường bao trùm khắp các tỉnh, thành phố miền Bắc trong tháng 5 và đầu tháng 6, khiến số lượng khách hàng tìm mua, sử dụng các thiết bị làm mát công suất lớn tăng cao, kéo theo sản lượng điện tiêu thụ tăng đột biến. Trong khi thợ lắp đặt, sửa chữa điều hòa làm không hết việc thì các công nhân điện cũng "căng mình" trực xuyên ca; thực hiện nhiều phương án, biện pháp nhằm cung cấp điện ổn định, chống quá tải cục bộ.

Những ngày này, gian hàng máy điều hòa nhiệt độ của các siêu thị điện máy trên địa bàn thành phố Hưng Yên hiếm khi vắng khách

Thợ lắp điều hòa làm không hết việc

Nếu trước đây, nhà nào có điều hòa nhiệt độ là “sang”, là “giàu”, thì năm nay, do nắng nóng quá khắc nghiệt, nên nhiều gia đình dù thu nhập còn hạn chế cũng cố gắng “bóp mồm, bóp miệng” mua điều hòa để “chống chọi” với cái nóng. Thậm chí, nhiều gia đình còn có 2-3 cái điều hòa, chạy liên tục, nhất là các hộ gia đình ở khu vực thành phố, thị xã.

Tại Hà Nội, dù số lượng siêu thị, cửa hàng điện máy rất lớn, nhưng để gọi được thợ sửa chữa, lắp đặt điều hòa trong thời điểm nắng nóng này không dễ. Chị Ngọc Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: "Tôi gọi nạp ga điều hòa mà phải 4 ngày sau thợ mới tới. Mùa hè đông khách, nên các siêu thị, trung tâm điều hòa đều ưu tiên cho việc lắp mới. Còn sữa chữa thì cứ gọi là chờ "dài cổ".

Còn tại tỉnh Hưng Yên những ngày này, các siêu thị, cửa hàng điện máy luôn tấp nập người tiêu dùng đến mua các sản phẩm điện lạnh như điều hòa nhiệt độ, quạt điện, máy tạo ẩm..., trong đó điều hòa nhiệt độ là sản phẩm có lượng tiêu thụ cao nhất.

Ông Đặng Quang Chuyên - Giám đốc Siêu thị điện máy Chuyên Quyên cho biết: “Mùa hè năm nay, lượng tiêu thụ các sản phẩm điện lạnh, đặc biệt là điều hòa nhiệt độ tăng vọt. Nếu từ tháng 1 đến tháng 3, trung bình mỗi tháng chỉ bán ra khoảng 100 chiếc điều hòa, thì trong tháng 4, đặc biệt là tháng 5, trung bình mỗi ngày chúng tôi đã bán ra khoảng 100 chiếc, gần 3.000 chiếc/tháng. Hàng về là hết, đội thợ lắp đặt luôn phải làm việc hết công suất...”

Tại các tỉnh cao điểm nắng nóng khác như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh..., lượng tiêu thụ các sản phẩm điện lạnh như điều hòa nhiệt độ, quạt... trong tháng 4, tháng 5 cũng gấp 7-8 lần so với các tháng trước đó.

Bà Trần Mai Linh (phường Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An) cho biết, tôi mua điều hòa nhiệt độ ở Siêu thị Điện máy HC mà cũng chờ tới 2 ngày, thợ mới đến lắp đặt. Họ kêu là đông khách quá nên phải xếp lịch lắp đặt lâu hơn.

Thợ điện trực xuyên ca

Nhìn vào lượng tiêu thụ của điều hòa nhiệt độ tại các siêu thị điện máy trong tháng 4, tháng 5 vừa qua, có thể hình dung được tốc độ tăng trưởng phụ tải ở các tỉnh, thành phố miền Bắc trong những ngày nắng nóng này tăng đột biến.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lần đầu tiên trong nhiều năm, lượng tiêu thụ điện ở miền Bắc đã vượt miền Nam. Ước tính, sản lượng điện tiêu thụ miền Bắc đạt 245 triệu kWh, trong khi miền Nam chỉ là 239 triệu kWh. Riêng Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), sản lượng điện thương phẩm trong tháng 5 cao nhất cả nước, tăng 14,64% so với cùng kỳ năm 2014.

Công nhân Điện lực thành phố Thanh Hóa thay máy biến áp, nâng công suất phụ tải cho phường Đông Vệ - Ảnh chụp lúc 12h30 ngày 29/5

Đứng trước thực trạng nắng nóng, phụ tải điện tăng đột biến, để đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục cho người dân, EVN đã chỉ đạo các tổng công ty Điện lực không cắt điện sửa chữa khi nhiệt độ trên 35 độ C. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng điện quá lớn nên ở một số khu vực vẫn xảy ra tình trạng quá tải đột biến, gây mất điện cục bộ. Các công ty điện lực đều đã tăng cường nhân lực, vật tư, thiết bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống quá tải, cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất.

Đặc biệt, các công ty điện lực cũng đã thành lập đội sửa chữa nóng, trực 24/24 để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Chính vì vậy, với thợ điện trong những tháng cao điểm nắng nóng này, làm việc xuyên ca, xử lý sự cố giữa đêm, giữa trưa là chuyện “bình thường”. Anh Nguyễn Xuân Lâm (Điện lực thành phố Thanh Hóa, Công ty Điện lực Thanh Hóa) chia sẻ: “Đã mấy ngày liền tôi không được gặp con, bởi cứ 2-3 giờ đêm bố mới về thì con đã đi ngủ; sáng bố đi làm thì con chưa dậy”.

Không phải là cao điểm nắng nóng như các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh..., nhưng tại Hưng Yên, phụ tải điện sinh hoạt của các gia đình trong những ngày qua cũng tăng đột biến do nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị làm mát của người dân quá lớn, đặc biệt là ở thành phố Hưng Yên. Chính vì vậy, dù đã tiến hành nâng cấp lưới điện, lắp đặt thêm máy biến áp, tăng cường phụ tải...nhưng trong những ngày nắng nóng cao điểm vẫn xảy ra hiện tượng quá tải cục bộ, nhảy automat ở một số khu vực.

Ông Lương Minh Thanh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hưng Yên cho hay, “Khác với mọi năm, giờ cao điểm thường chỉ vào buổi trưa, tối, nhưng năm nay, giờ cao điểm có thể kéo dài gần như suốt đêm. Do đó, công nhân rất vất vả. Khi mọi người nghỉ ngơi ăn uống, hay đi ngủ thì công nhân điện lực liên tục phải tăng ca, hễ có sự cố là sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

Anh Phạm Quốc Cường - Công nhân Quản lý vận hành (Điện lực thành phố Hưng Yên, Công ty Điện lực Hưng Yên) chia sẻ: “Ban ngày chúng tôi đi làm bình thường, tối đến vẫn phải trực đến 2-3 giờ sáng. Nhiều khi giữa trưa, chưa kịp ăn cơm thì có sự cố. Dưới nhiệt độ 38-40 độ cộng thêm cái nóng hầm hập hất lên từ đường bê tông, từ các thiết bị, anh em vẫn làm việc bình thường. Cánh thợ điện chúng tôi luôn tâm niệm rằng, mình phải đứng vào vị trí người dân, vị trí của khách hàng khi bị mất điện trong ngày nắng nóng để thấu hiểu và thông cảm. Từ đó, nỗ lực hết mình, không quản ngại nắng nóng, đêm hôm để xử lý sự cố, đảm bảo cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất."


  • 19/06/2015 07:33
  • Bài và ảnh: Minh Tâm
  • 6573


Gửi nhận xét