Đường dây 500kV mạch 1: Sức sáng tạo của con người là vô hạn

Công nghệ chưa phát triển thì phát huy sức mạnh của sức người, tiềm lực kinh tế chưa lớn thì phát huy tính sáng tạo để cải tiến quy trình làm việc, công trình đường dây 500kV Bắc – Nam là bằng chứng sống về sức sáng tạo vô hạn của con người.

Gùi từng bao xi măng, bao cát, thùng nước lên đỉnh núi

GS.VS.TSKH Trần Đình Long chia sẻ, trong các khâu thi công gồm đúc móng, dựng cột, kéo dây thì khâu đúc móng là khó khăn nhất. Để có thể đào móng dựng cột ở những vị trí trên núi, việc đầu tiên là phải chặt cây rừng già để làm đường vận chuyển vật tư, thiết bị lên núi. Với điều kiện cơ giới hóa còn hạn chế, việc chặt cây hoàn toàn phải bằng rìu, cưa tay… Rừng già lại chủ yếu là cây cổ thụ đường kính tới 1,5m, hạ được cây để mở đường là chuyện không đơn giản. Khi đó, Ban Chỉ huy công trình phải huy động lực lượng dân quân, lao động địa phương, quân đội từ quân khu 4, Quân khu 5, Binh đoàn 15 tham gia chặt cây, làm đường. Sau đó làm các đường đồng mức để cho các phương tiện máy móc vận chuyển vật liệu lên các vị trí thi công.

Trên toàn tuyến có 3.447 móng cột, việc xác định vị trí móng do lực lượng chính quy (cán bộ, lỹ sư công nhân lành nghề) thực hiện. Việc đầu tiên là xác định tim móng, một móng có 4 trụ, đào tới cốt thấp nhất rồi mới đặt cốt pha dựng 4 trụ… Móng nhỏ nhất khoảng 300 khối bê tông, khói lượng đất phải đào lên tới hàng nghìn mét khối. Khi đào móng tại đoạn Đại Lộc – Quảng Nam, vị trí móng rơi vào vùng địa chất toàn đất đá, máy móc cũng không đào được phải thuê người dân lao động địa phương đục thủ công. Việc khai thác nguồn vật tư cung cấp sỏi đá, sắt thép, xi măng để đúc móng được giao quyền cho các đơn vị xây lắp tự quyết định, do đó các đơn vị đã chủ động tìm địa điểm khai thác, hợp đồng khai thác, vận chuyển tới hàng triệu tấn sắt thép, xi măng, hàng triệu mét khối cát, sỏi, đá phục vụ công tác đúc móng.

Trong quá trình thi công có nhiều vị trí đúc móng trên đỉnh đèo Hải Vân, đồi núi Đại Lộc, Khâm Đức, đèo Lò Xo… máy móc không thể lên được, phải huy động nhân dân các địa phương, bà con các dân tộc gùi từng bao xi măng, từng bao cát, từng thùng nước lên đỉnh núi cheo leo để phục vụ việc đúc móng. Mỗi người chỉ gùi được 15kg cho mỗi chuyến. Góp gió thành bão, từng móng cột đã được dựng lên trên suốt chiều dài đất nước. Trong suốt 2 năm không kể ngày đêm, chủ nhật, ngày lễ, mưa bão, giá rét, tất cả lực lượng công nhân, cán bộ kỹ thuật chỉ huy dồn sức thực hiện công trình đúng tiến độ.

Công đoạn lắp cột cũng không kém phần căng thẳng. Ở nhiều nước trên thế giới khi đó sử dụng cột đúc sẵn, sau đó dùng máy bay để lắp ghép, kỹ sư, công nhân chỉ bắt đai ốc và bu lông. Ở Việt Nam, do điều kiện địa hình và phưng tiện không sử dụng được công nghệ này mà phải sử dụng kỹ thuật lắp “trụ leo”. Đây là phương pháp dùng trong những khu vực địa hình đồi núi hiểm trở. Nghĩa là dùng dây tời bằng thép chắc chắn để lắp ráp từng đoạn cột. Để có thể hoàn thành tiến độ lắp cột, Ban Chỉ huy các cung đoạn đã khoán cho các tổ với yêu cầu hai ngày phải lắp xong 1 cột, có như vậy mới đảm bảo được tiến độ. Do có nhiều thợ và nhiều lao động nên chúng ta lắp được đồng thời nhiều cột. Vậy nên đến tháng 3/1993, việc dựng cột trên toàn tuyến đã hoàn thành. Phương pháp lắc cột độc đáo này cũng với hình ảnh công nhân kỹ thuật leo lắp ráp cột đã khiến đoàn khảo sát của nước ngoài “ngả mũ thán phục”.

 

"Một phần tư thế kỷ đã đi qua, câu chuyện về đường dây 500kV Bắc – Nam vẫn là những câu chuyện xuyên thời gian. Giá trị, ý nghĩa của nó sẽ chẳng bao giờ kể hết. Đối với những người còn sống vẫn còn một điều canh cánh chưa làm được đó là xây dựng một nghĩa trang, một tượng đài kỷ niệm để tri ân những người đã hy sinh cho công trình thế kỷ này..."

GS.VS.Trần Đình Long

Hoàn thành công trình ngoài sức tưởng tượng

19h16 ngày 27/5/1994 theo lệnh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hệ thống truyền tải điện 500kV đã được hòa thành công tại trạm biến áp 500kV Đà Nẵng, nối liền hai hệ thống điện Bắc – Nam, đánh dấu một kỷ nguyên mới, thống nhất hệ thống điện toàn quốc.

Đường dây 500kV Bắc – Nam đã phát huy ngay vai trò của mình trong hệ thống điện lực quốc gia. Điện năng cung cấp cho miền Nam và miền Trung tăng nhanh qua các năm sau khi hòa lưới điện. Năm 1994: 988 triệu kWh; năm 1995; 2813 triệu kWh. Riêng trạm biến áp 500kV Phú Lâm, năm 1995 đã nhận 2005 triệu kWh, nhiều hơn điện năng phát trong cùng năm của hai nhà máy thủy điện là Trị An và Thác Mơ cộng lại. Qua 2 năm đầu đưa vào vận hành, đường dây 500kV đã đạt được các chỉ tiêu thiết kế, kể cả chỉ tiêu về tổn thất điện năng. Chấm dứt tình trạng thiếu điện ở miền Trung, đáp ứng 30% nhu cầu dùng điện ở miền Nam.

Trong vòng chưa đầy 3 năm, công trình đã cho thu hồi tổng số vốn đầu tư hơn 500 triệu USD, trong khi dự kiến ban đầu là mất 5 - 10 năm. Nhờ có đường dây 500kV năng lực các nhà máy điện miền Bắc đã sớm được phát huy. So sánh lượng phát điện năm 1995 và 1993 cho thấy, các nhà máy nhiệt điện than tăng 2,62 lần, thủy điện Hòa Bình tăng 1,35 lần. Chỉ tính riêng phần chênh lệch giữa giá thành điện năng chuyển từ nhà máy thủy điện đẻ cung cấp cho miền Trung và miền Nam so với giá điện năng phát ra từ các nguồn nhiệt điện chạy dầu và diezen vẫn được sử dụng trước khi có đường dây 500kV đã hơn con số hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Có thể thấy đây là công trình trọng điểm của đất nước mà khi bắt đầu còn nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, thắng lợi của công trình đã tạo nên sự gắn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, đồng thời mở đường cho những tư duy “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Sau hơn 25 năm vận hành, đây vẫn là một trong những công trình mang lại hiệu quả cao nhất trên tổng vốn đầu tư của ngành điện Việt Nam.

Trong suốt 2 năm thi công, hàng vạn người lăn lộn với công trình, trong đó có ít nhất 250 đã hy sinh với nhiều lý do khác nhau như ốm đau, bệnh tật, đuối nước, đổ cột, sập hầm… Họ là những người anh hùng thầm lặng đến và đi cũng thầm lặng. Máu xương của họ đổ xuống cho sự bừng sáng của dòng năng lượng quốc gia, cho sự nở hoa trên những vùng quê nghèo.

Hơn 25 năm trôi qua, điều mà GS.VS.TSKH Trần Đình Long tâm đắc nhất là sau tất cả những băn khoăn trước đó về tính khả thi của đường dây, giờ đây đã được giải đáp trọn vẹn. Cũng chính từ công trình này mà năng lực đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Việt Nam được nâng lên một bước.

Link gốc


  • 27/05/2021 10:48
  • Nguồn: khoahocdoisong.vn
  • 5342