Để người lao động yên tâm cống hiến

Năm 2018 với nhiều khó khăn, thử thách, không ít người lao động lo lắng về thu nhập, việc làm khi các đơn vị đổi mới mô hình sản xuất, tái cơ cấu, cổ phần hóa. Không ít tổ chức công đoàn cơ sở trăn trở về nguồn kinh phí hạn hẹp, khó tổ chức các hoạt động… Công đoàn Điện lực Việt Nam làm thế nào để giải quyết các vấn đề trên? Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam - ông Khuất Quang Mậu đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và đầy tâm tư với phóng viên Tạp chí Điện lực.

Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam - ông Khuất Quang Mậu

PV: Thưa ông, trong năm 2018, các cấp công đoàn đã có những hoạt động sôi nổi, thiết thực, hướng về người lao động như thế nào?

Ông Khuất Quang Mậu: Với mục tiêu, thiết thực chăm lo cho đoàn viên, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân lao động (CNLĐ) về nhà ở, điều kiện sinh hoạt, làm việc..., những chương trình hoạt động của các cấp công đoàn ngành Điện năm 2018 rất cụ thể và phục vụ thiết thực cho người lao động. Trong đó, có một số điểm nhấn cần ghi nhận là:

Thứ nhất, trong năm qua, 50 nhà Mái ấm Công đoàn với số tiền 3 tỷ đồng đã giúp đỡ cho các gia đình công nhân khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên, do người lao động trong Ngành có khó khăn về nhà ở còn khá nhiều, trong khi Quỹ Chương trình lại khiêm tốn, nên công đoàn các đơn vị đã chủ động phối hợp với chuyên môn xây dựng chương trình hỗ trợ, chăm lo phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở. Cụ thể như, Chương trình “Ngôi nhà đồng nghiệp” của Công ty Điện lực Bạc Liêu, “Nhà tình thương” của Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội, Tổng công ty Điện lực miền Bắc…

Thứ hai, nhân dịp Tháng công nhân năm 2018, Công đoàn Điện lực Việt Nam (CĐ ĐLVN) đã cử 03 đoàn công tác đến thăm hỏi NLĐ tại 17 đơn vị vùng hải đảo và đơn vị mới thành lập có nhiều khó khăn với số tiền hỗ trợ là 480 triệu đồng. Qua đó, đã nghe ý kiến về tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, những đề xuất, kiến nghị của NLĐ để kịp thời phản ánh với chuyên môn, giải quyết cho đoàn viên và NLĐ.

Đặc biệt, năm qua, từ nguồn Quỹ Tương trợ xã hội, công đoàn các đơn vị đã hỗ trợ cho nhiều trường hợp cán bộ CNVCLĐ ốm đau có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và bị thiệt hại do bão lũ. Đồng thời, chủ động tham gia vào nghiên cứu các chế độ chính sách để giải quyết lao động dôi dư ở một số đơn vị khi dừng tổ máy, thu hẹp sản xuất, thay đổi mô hình công nghệ... Công đoàn các cấp quan tâm cùng chuyên môn nâng cao chất lượng bữa ăn ca; xây dựng bữa ăn ca với hình thức phù hợp với điều kiện SXKD và đặc thù của từng đơn vị.

PV: Ông đánh giá vấn đề nào là cấp bách nhất hiện nay đối với tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo đời sống cho người lao động trong EVN?

Ông Khuất Quang Mậu: Chúng ta tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo đơn vị và người lao động, nhưng ở một số nơi, còn có tình trạng “đối thoại hình thức”, nghĩa là NLĐ chưa thẳng thắn trình bày nguyện vọng, trao đổi thẳng thắn; tâm lý ngại, buông xuôi còn phổ biến, tính phản biện còn yếu.

Một hạn chế nữa đó là, phương thức chỉ đạo ở một số công đoàn cấp trên cơ sở còn mang tính hành chính. Chúng ta cần giảm tối đa các mệnh lệnh hành chính, cứng nhắc, xa đoàn viên, NLĐ, thay vào đó là hỗ trợ công đoàn cơ sở mềm dẻo hơn, theo hướng ở đâu công đoàn cơ sở khó, ở đó có công đoàn cấp trên hỗ trợ, ở đâu công nhân khó, tổ chức công đoàn có mặt kịp thời. Công đoàn cơ sở buộc phải tự nâng cao năng lực, đổi mới toàn diện, làm tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ và trở nên “hấp dẫn” hơn đối với NLĐ, trở thành tổ chức chính danh thực sự của NLĐ. Nếu không làm được điều này, NLĐ sẽ “quay lưng” và chúng ta sẽ “thua ngay trên sân nhà”.

Bên cạnh đó, việc EVN đổi mới mô hình sản xuất, tiến hành tái cơ cấu, cổ phần hóa DN, sắp xếp lại lao động, khiến người lao động chưa yên tâm công tác, lo lắng về việc làm, thu nhập. Một số đơn vị khi tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn còn thiếu kiến thức hoạt động thực tế, thiếu chủ động do đó còn lúng túng trong nhiệm vụ bảo vệ người lao động. Công đoàn cũng cần chủ động, thường xuyên đánh giá hoạt động công đoàn của đơn vị, tìm hiểu kỹ, nắm bắt, tổ chức lại các mô hình hoạt động công đoàn cơ sở phù hợp, đảm bảo chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của đoàn viên. Nếu không bám sát, nắm rõ diễn biến thực tế, chỉ nắm tình hình thông qua các báo cáo, không chịu khó lắng nghe người lao động nói thẳng nói thật, sẽ không thể tìm được giải pháp chăm lo và bảo vệ quyền lợi sát sườn cho người lao động.

PV: Thực tế, không ít công đoàn cơ sở “than” nguồn kinh phí rất hạn hẹp, rất khó tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Khuất Quang Mậu: Tài chính công đoàn là điều kiện, là công cụ phục vụ đắc lực cho hoạt động của tổ chức công đoàn. Từ năm 2016, Công đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện điều chỉnh nguồn kinh phí công đoàn để lại cơ sở tăng 1% theo Nghị quyết 07b/NQ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (nguồn thu kinh phí công đoàn được để lại công đoàn cơ sở 66%, nộp lên công đoàn cấp trên 34%). Trong năm, một số đơn vị được miễn nộp kinh phí, đoàn phí; một số đơn vị được giảm nộp do có số đoàn viên ít, đơn vị hoạt động tại vùng sâu, vùng xa, khó khăn về nguồn thu...

Bên cạnh đó, Quỹ “Tương trợ xã hội” do Tập đoàn và Công đoàn vận động CBCNV, NLĐ đóng góp ủng hộ ít nhất 01 ngày lương tính theo mức lương cơ sở của Tập đoàn. Số tiền thu được sẽ trích 40% đóng góp về Qũy tương trợ xã hội Tập đoàn do Công đoàn Điện lực Việt Nam quản lý, sử dụng chung; 60% để lại bổ sung vào Quỹ tương trợ xã hội của đơn vị. Đây chính là nguồn bổ sung đáng kể, giúp các đơn vị làm tốt hơn nữa các hoạt động chăm lo cho người lao động. Trong năm qua, từ nguồn quỹ này, nhiều đơn vị  đã làm tốt việc chăm lo cho người lao động, kịp thời hỗ trợ những trường hợp cán bộ, công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại do bão, lũ… và thực hiện các hoạt động nhân đạo khác.

PV: Cán bộ công đoàn cơ sở là cầu nối giữa NLĐ và doanh nghiệp. Là Chủ tịch CĐ ĐLVN, ông mong muốn điều gì ở những người làm cán bộ công đoàn cơ sở?

Ông Khuất Quang Mậu: Đừng vì thành tích, hãy làm bằng cả tấm lòng! Để nâng cao đời sống người lao động, cán bộ công đoàn cơ sở phải phát huy vai trò thương lượng, điều này đòi hỏi phải có trình độ, năng lực, kỹ năng và nhất là am hiểu về chính sách, pháp luật. Hoạt động công đoàn ở cơ sở mạnh mới có thỏa ước lao động tốt, phúc lợi tốt, đời sống, việc làm người lao động sẽ ổn định. Từ đó, góp phần tạo môi trường làm việc trong DN được ổn định, hài hòa. Ngoài ra, cán bộ công đoàn còn là “trọng tài” nghiêm minh, công bằng trong liên kết, phối hợp hài hòa, để người lao động và chủ DN có cùng tiếng nói, có sự chia sẻ. Làm tốt lĩnh vực này, niềm tin của người lao động và chủ DN đối với công đoàn sẽ tăng lên. Ngoài ra cũng cần phải đổi mới cơ chế chính sách cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, giúp họ yên tâm cống hiến hết mình.

Tôi mong cán bộ công đoàn luôn trau dồi, cập nhật kiến thức, năng động, tìm tòi, đề xuất các giải pháp sao cho các hoạt động công đoàn ngày càng chuẩn, chuyên nghiệp hơn, chăm lo người lao động một cách sát thực hơn. Và hơn hết, đừng lấy thành tích làm thước đo, mà hãy làm bằng tất cả tấm lòng vì người lao động.

PV: Chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên và người lao động là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức công đoàn. Năm 2019, CĐ ĐLVN có những nội dung, biện pháp gì mang tính đột phá trong lĩnh vực này, thưa ông?

Ông Khuất Quang Mậu: Trong hầu hết các cuộc họp, hội nghị gần đây, CĐ ĐLVN luôn trăn trở, công đoàn phải làm gì để tạo sự đổi mới trong hoạt động. Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của tổ chức công đoàn là yêu cầu nội hàm của tổ chức, phải bắt đầu từ những việc làm cụ thể, thiết thực, mang lại lợi ích cho NLĐ.

Năm 2019, kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, 65 năm Ngày Truyền thống ngành Điện lực cách mạng Việt Nam, do đó, CĐ ĐLVN sẽ tổ chức phát động các phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, các phong trào thi đua giữa các khối ngành, nghề, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, trong đó, tập trung vào phong trào thi đua nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng phù hợp, tiết kiệm và hiệu quả.

Cùng với đó Công đoàn cần nêu cao vai trò là đại diện cho NLĐ khi EVN thay đổi mô hình sản xuất, tái cơ cấu, cổ phần hóa, sắp xếp lại lao động, giải quyết lao động dôi dư, giải quyết tranh chấp lao động; giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi của CNVC-LĐ, thỏa ước lao động tập thể, dân chủ cơ sở, khen thưởng, kỷ luật và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ. Công đoàn ĐLVN xác định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục hướng hoạt động về công đoàn cơ sở, lấy đoàn viên, người lao động làm trung tâm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Một số hoạt động chăm lo người lao động của CĐ ĐLVN năm 2018:

- Thăm và tặng quà cho 8215 CNVCLĐ trực Tết với số tiền là 7,7 tỷ đồng;

- Thăm hỏi trợ cấp cho 1900 CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 2,9 tỷ đồng;

- Khen thưởng cho hơn 33 ngàn con CBCNVCLĐ với số tiền 5,908 tỷ đồng.

- Hỗ trợ cho 5.517 cán bộ CNVCLĐ ốm đau có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và bị thiệt hại do bão lũ với số tiền 12,2 tỷ đồng.

- Hỗ trợ xây nhà mới và sửa chữa 50 nhà Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên công đoàn với số tiền 3 tỷ đồng.


  • 07/01/2019 02:41
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 22450