Điện ra đồng tiếp sức nông dân

Nhằm phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới và di dời các cơ sở chăn nuôi vào các vùng phát triển chăn nuôi, những năm qua, Đồng Nai đã đầu tư mạnh cho hệ thống lưới điện nông thôn. Điện được “mang” ra đến tận… đồng đã giúp cho hàng ngàn hộ nông dân có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế.

Nhờ có điện, ông Trần Văn Phước tại ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom chủ động khâu tưới nước cho vườn thanh long của gia đình.

“Mang” điện ra đồng phục vụ nông dân

Những ngày này, gia đình ông Trần Văn Phước, ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom đang bận rộn lắp đặt hệ thống dàn treo đèn cho vườn thanh long rộng khoảng 2.000 m2 của gia đình.

Không riêng gì ông Phước, nhiều hộ nông dân trong ấp cũng đang tất bật lắp dàn đèn để kịp sản xuất thanh long nghịch vụ bởi theo họ giá thanh long vụ nghịch luôn có giá cao hơn hẳn chính vụ.

Trước đây, việc sản xuất thanh long nghịch vụ có lẽ chỉ nằm trong trí tưởng tượng đối với người trồng thanh long ở ấp xa xôi này. Bởi, dù nhiều ấp trong xã Hưng Thịnh đã có điện từ lâu nhưng ấp Hưng Bình vẫn chưa có điện.

“Lâu nay, chúng tôi phải kéo điện từ ấp khác cách xa khoảng 4 km về phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Chưa kể phải mua điện với giá cao hơn mà điện thường rất “yếu”. Mỗi khi muốn tưới cho vườn thanh long, người dân trong ấp phải bảo nhau tắt hết các vật dụng sinh hoạt bằng điện vì sợ nguồn điện yếu không tưới được. Mỗi khi có 2, 3 nhà tưới cùng lúc là điện “sập” nguồn nên chúng tôi lại phải sử dụng máy dầu”, ông Phước cho hay.

Chính vì vậy, việc công trình lưới điện trung thế nông thôn trên địa bàn xã Hưng Thịnh được đóng điện vào giữa tháng 11/2016 là niềm vui mừng của các hộ dân trong ấp Hưng Bình. “Được mua điện trực tiếp với giá rẻ thì chúng tôi sẽ có điều kiện mở rộng sản xuất. Khi nghe tin sắp đóng điện, nhiều hộ trong ấp đã tính ngay đến chuyện đầu tư dàn đèn để sản xuất thanh long nghịch vụ ngay”, ông Phước hồ hởi chia sẻ.

Cũng chung niềm vui như nông dân ấp Hưng Bình, kể từ khi có điện lưới trung thế, ông Nguyễn Văn Hồng, ấp 6 xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu cũng đang tính chuyện “thâm canh”, làm giàu.

Theo ông Hồng, ở vùng Thạnh Phú này, trồng bưởi và hoa màu đều mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng phải chủ động được khâu tưới nước. Trước đây, do không có điện nên ông không dám mở rộng diện tích trồng bưởi dù gia đình có sẵn đất. “Để chạy máy nổ tưới cho vườn bưởi 1.500 m2, trong mùa khô mỗi ngày tôi phải mua khoảng 6 lít dầu với giá gần 100.000 đồng. Chi phí quá cao nên dù có đất, tôi vẫn không dám mở rộng vườn bưởi mà chỉ biết trồng tràm có giá trị kinh tế thấp”.

Giờ đây khi đã chính thức có điện lưới, ông Hồng nghĩ ngay đến việc chặt bỏ vườn tràm để trồng bưởi và hoa màu. “Có điện, chi phí cho khâu tưới nước giảm khoảng 10 lần so với tưới máy dầu. Không riêng gì tôi mà nhiều hộ trong ấp cũng đều tính đến chuyện mở rộng diện tích bưởi. Nhiều nhà còn tính đến chuyện lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để giảm công lao động và nguồn nước tưới. Tất cả cũng nhờ có điện mới được vậy”, ông Hồng vui chia sẻ.

“Tiếp sức” cho nông thôn phát triển

Theo bà Lương Thị Lan, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, công trình lưới điện phục vụ khu quy hoạch chăn nuôi xã Hưng Thịnh không những giải quyết việc tưới tiêu cho hơn 60 ha thanh long trên địa bàn xã mà còn tạo điều kiện cho việc triển khai dự án cánh đồng lớn trên cây mía với diện tích 250 ha thuận lợi hơn. Đặc biệt, công trình này cũng sẽ phục vụ tốt hơn cho công tác di dời các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn xã Hưng Thịnh vào khu quy hoạch phát triển chăn nuôi nhằm đảm bảo giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

“Huyện Trảng Bom đã quy hoạch các khu phát triển chăn nuôi với diện tích hơn 1.400 ha. Tuy nhiên, nhiều khu quy hoạch do ở xa trung tâm, chưa có điện lưới nên việc vận động các doanh nghiệp di dời cũng như đầu tư vào các khu quy hoạch này rất khó khăn. Bởi không có điện thì không thể phát triển chăn nuôi. Chính vì vậy, việc đầu tư hệ thống lưới điện nông thôn là điều kiện để huyện hoàn thành tốt chủ trương của tỉnh về di dời các cơ sở chăn nuôi nhằm đảm bảo giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường”, bà Lan cho biết.

Tương tự, công trình lưới điện trung thế nông thôn phục vụ khu sản xuất tập trung huyện Vĩnh Cửu trên địa bàn 2 xã Thạnh Phú và Hiếu Liêm không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu điện sinh hoạt của người dân mà còn giải quyết nhu cầu tưới tiêu giúp chuyển đổi 70 ha lúa, rau sạch trên địa bàn xã Thạnh Phú từ 1 vụ sang 3 vụ/năm và chuyển đổi 329 ha đất rừng trên địa bàn xã Hiếu Liêm từ trồng tràm sang trồng cam, quýt.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, trên địa bàn ấp 3 có 10 ha đất bạc màu vốn bỏ không thì hiện cũng đã được người dân chuyển sang trồng cỏ nuôi bò sau khi có điện phục vụ tưới tiêu.

Việc đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện nông thôn luôn được Đồng Nai ưu tiên nhằm “tiếp sức” cho nông thôn phát triển, nông dân có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất vươn lên làm giàu. Tính từ năm 2011 đến nay, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai đã đầu tư hơn 632 tỷ đồng để xây dựng hệ thống điện nông thôn phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo phê duyệt của UBND tỉnh, năm 2016, có 18 khu quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung và 46 khu sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống lưới điện trung thế.

Theo ông Đỗ Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, riêng năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt cho Công ty vay gần 75 tỷ đồng đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện trung thế nông thôn. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng điện phục vụ các hộ dân sinh hoạt, xóa bỏ việc sử dụng điện bằng hình thức câu móc, giúp người dân được sử dụng điện với giá quy định của Nhà nước, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt cho vay 27 tỷ đồng xây dựng mới các hệ thống lưới điện trung thế nông thôn.


  • 20/02/2017 03:54
  • Nguồn bài và ảnh: Bản tin Công đoàn Điện lực Việt Nam
  • 1687