Điện mặt trời: Rào cản không chỉ nằm ở giá

Lâu nay, đề cập đến rào cản phát triển điện mặt trời, chúng ta thường nói đến yếu tố giá mua thấp không khuyến khích được nhà đầu tư. Tuy vậy, ở đây còn có nhiều thách thức khác nữa.

Trong bài tham luận trình bày tại diễn đàn năng lượng, chủ đề “Hướng tới phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam” trong Triển lãm “Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng” ngày 9/11 tại TP.HCM, ông Diệp Thế Cường, đại diện Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM (ECC-HCMC) cho biết, hiện Việt Nam chưa có quy hoạch tổng thể cho năng lượng điện mặt trời. Do đó, doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển có thể sẽ gặp nhiều thủ tục, đôi khi kéo dài thời gian.

Cụ thể, ông Cường kể về quy trình làm việc phát triển dự án điện mặt trời tại một số tỉnh mà ECC-HCMC đã từng tiếp xúc.

Đầu tiên doanh nghiệp phải làm việc với UBND tỉnh để được chấp nhận chủ trương đầu tư. Kế đến doanh nghiệp sẽ làm việc với Sở Công Thương để được hướng dẫn quy trình điều chỉnh bổ sung quy hoạch điện lực. Và vì không hẳn tỉnh nào cũng có quy hoạch điện mặt trời nên Sở Công Thương lại phải tiếp tục làm việc với Bộ Công Thương để được chấp thuận chủ trương điều chỉnh bổ sung quy hoạch. Xong khâu được chấp thuận từ Bộ Công Thương, doanh nghiệp mới có thể làm việc cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư để được cấp phép đầu tư.

Điện mặt trời, rào cản không chỉ nằm ở giá - Ảnh: Ng.Tuấn.

Nhìn tổng quát yếu tố rào cản thể chế, ông Cường nhận xét công tác quản lý Nhà nước từ cấp trung ương đến địa phương đối với hoạt động năng lượng tái tạo còn nhiều hạn chế và chưa đạt hiệu quả cao.

Rào cản tiếp theo, như ông Cường trình bày là yếu tố kỹ thuật và công nghệ. Đại diện ECC-HCMC cho biết, trình độ công nghệ Việt Nam còn hạn chế, năng lực quản lý chưa cao, phần lớn thiết bị công nghệ mới… đều nhập từ nước ngoài; thiếu trầm trọng hệ thống nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành về năng lượng tái tạo, thiếu các tiêu chuẩn/quy chuẩn về sử dụng, khai thác.

Bên cạnh đó, do chưa có quy hoạch tổng thể về năng lượng tái tạo nên thông tin cung cấp cho nhà đầu tư thiếu chính xác, không đầy đủ, dẫn đến khó khăn cho việc đánh giá tính khả thi của dự án, ông Cường nhận xét.

Trong việc phát triển năng lượng mặt trời, giá mua bán điện thấp là yếu tố rào cản đã được nói đến lâu nay. Và Chính phủ biết điều này. Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, tính lại giá năng lượng tái tạo. Hiện Bộ Công Thương đang kết hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực hiện và nếu không có gì thay đổi, trong năm nay, giá điện FIT (FIT là viết tắt của từ feed-in tariffs, tức giá bán điện năng (tariff) sản xuất ra từ nguồn năng lượng mặt trời được cung cấp vào (feed-in) hoặc bán cho lưới điện – PV) sẽ được công bố, ông Thực cho biết.

Về câu hỏi tại sao trong quy hoạch điện quốc gia không có đề cập đến nguồn điện sản xuất từ năng lượng thủy triều, ông Thực cho biết Bộ Công Thương chưa có nghiên cứu sâu về lĩnh vực này nên chưa đưa vào quy hoạch và mong nhận được sự hợp tác của các cơ quan nghiên cứu chuyên môn trong lĩnh vực này.


  • 15/11/2016 10:19
  • Theo: vfpress.vn
  • 2311