Xây dựng kế hoạch: Cần xóa bỏ tư duy “chỉ để báo cáo”

Dù được đánh giá có những đóng góp quan trọng trong việc hoạch định chiến lược phát triển Tập đoàn, nhưng công tác kế hoạch của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên vẫn còn nhiều điểm yếu cần sớm khắc phục, đổi mới.

Đó là nhận định của lãnh đạo EVN và đa số đại biểu tại Hội nghị Công tác Kế hoạch do EVN tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Thước đo hiệu quả sản xuất- kinh doanh

“Nếu nói các ban chức năng thực hiện chức năng tham mưu, thì Ban Kế hoạch chính là tham mưu trưởng”. Ý kiến của ông Tăng Nái Tòng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM về tầm quan trọng của công tác kế hoạch đã nhận được sự đồng tình của Chủ tịch HĐTV EVN Hoàng Quốc Vượng.

Theo ông Vượng, những năm qua, đặc biệt từ năm 2011 đến nay, công tác kế hoạch của EVN và các đơn vị thành viên đã đạt được những thành quả nhất định, là công cụ đắc lực giúp Tập đoàn hoàn thành các chủ đề quan trọng của năm như: Truyền tải điện năm 2012, Kinh doanh và dịch vụ khách hàng năm 2013, Tối ưu hóa chi phí và điện cho miền Nam năm 2014... đồng thời, tạo những chuyển biến lớn quan trọng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của Tập đoàn trong xã hội.

Công tác kế hoạch cần đổi mới mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của EVN trong thời gian tới

Có thể nói, những bước tiến vượt bậc của EVN và các đơn vị thành viên ghi dấu ấn đậm nét của công tác kế hoạch hóa: Chiến lược phát triển tới năm 2015, định hướng tới năm 2020 với các tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng phát triển cụ thể cho từng lĩnh vực phát điện, truyền tải điện, phân phối điện; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 5 năm (2011-2015) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, qua công tác kế hoạch, EVN còn góp phần tham mưu lập và điều chỉnh quy hoạch điện quốc gia, quy hoạch điện cho các vùng kinh tế, các địa phương… Công tác lập và giao kế hoạch đã từng bước đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Như vậy, công tác kế hoạch là công cụ quản trị doanh nghiệp và thước đo hiệu quả sản xuất –kinh doanh của Tập đoàn cũng như các đơn vị  trực thuộc.

Hiện EVN và các đơn vị đang đẩy mạnh công tác phân cấp quản lý cho các đơn vị cơ sở, trong việc giao, lập và thực hiện kế hoạch, tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị cấp dưới là cơ sở để đơn vị cơ sở ngày càng trưởng thành và tự chủ hơn. Một số đơn vị như Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Điện lực Hà Nội; Tổng công ty Phát điện 3… đã chủ động, sáng tạo, có các giải pháp phù hợp khi thực hiện kế hoạch, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất - kinh doanh.

Khắc phục tồn tại, tiếp tục đổi mới…

Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng theo ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN, công tác kế hoạch vẫn còn nhiều khiếm khuyết, tồn tại, cần phải khắc phục và đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của Tập đoàn trong thời kỳ mới.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Trưởng ban Kế hoạch EVN cho biết, hiện nay, công tác kế hoạch vẫn chưa bắt kịp những biến động về quản lý và tổ chức trong Tập đoàn cũng như hoạt động sản xuất kinh -  doanh theo cơ chế thị trường. Nhiều kế hoạch được giao chưa đồng bộ và kịp thời, chưa thống nhất một đầu mối, ảnh hưởng đến việc thực thi của các đơn vị cấp dưới. Tổ chức, biên chế  bộ máy làm công tác kế hoạch chưa thống nhất, trong cùng một khối nhưng có đơn vị lên tới 30 người, đơn vị lại chỉ có 8 người.

Cũng theo ông Khánh, hệ thống định mức chi phí cho các khâu phát điện, truyền tải và phân phối điện là công cụ quan trọng để lập kế hoạch nhưng chậm được cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp. Nhiều đơn vị chưa quan tâm đến công tác dự báo, phân tích…, nên kế hoạch lập ra chưa đạt chất lượng, chưa sát thực tế. Đáng chú ý, vẫn còn quan niệm xây dựng kế hoạch chỉ làm “đối phó” theo thủ tục hành chính, trình kế hoạch cao để Tập đoàn rà soát, phê duyệt “thấp xuống là vừa”. Nếu trong quá trình thực hiện không đạt, cuối năm lại tìm cách xin điều chỉnh…

Đứng trước những yêu cầu của đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Phạm Lê Thanh chỉ rõ, nếu không đổi mới kịp thời công tác kế hoạch sẽ dẫn đến sự trì trệ toàn hệ thống. Vì vậy, thời gian tới, các đơn vị cần phải khắc phục, xóa bỏ tư duy lỗi thời: “kế hoạch chỉ để báo cáo cấp trên”. Kế hoạch đề ra phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và sát thực tế. Công tác kế hoạch phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, tăng cường sự tham gia của nhiều bộ phận, nhiều đơn vị. Lãnh đạo phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, qua đó nắm bắt những vướng mắc, tồn tại, khó khăn, từ đó có phương án tháo gỡ. Kế hoạch sản xuất kinh doanh phải được giao một lần, ngay từ đầu năm và đồng bộ ở tất cả các kế hoạch thành phần: Sản xuất điện, kinh doanh điện, kế hoạch tài chính, chi phí giá thành, lao động tiền lương, sữa chữa lớn…

Cũng theo ông Thanh, công tác kế hoạch phải nâng cao chất lượng dự báo, vì Tập đoàn sẽ kiên quyết thực hiện chủ trương không điều chỉnh các chỉ tiêu đã giao, nhằm đánh giá chính xác, trung thực năng lực của từng đơn vị. Chỉ thực hiện điều chỉnh khi bổ sung các nhiệm vụ đột xuất hoặc có các biến động lớn mang tính khách quan, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch…

Hiện nay, EVN đang khẩn trương hoàn chỉnh Quy chế mới về công tác kế hoạch, áp dụng ngay trong năm 2015, nhằm nâng cao hiệu quả công tác kế hoạch.

* Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch HĐTV EVN: Công tác kế hoạch của EVN cần khắc phục sự thiếu đồng bộ và gắn kết; các đơn vị chưa chuyển hóa được tầm nhìn, chiến lược, ý chí của lãnh đạo vào các kế hoạch… Để việc lập, giao và thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả, lãnh đạo phải giám sát ở tất cả các khâu, không chỉ khoán trắng cho các đơn vị. Đặc biệt, người lãnh đạo phải thường xuyên trăn trở, tìm ra các giải pháp, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các kế hoạch.

* Ông Tăng Nái Tòng - Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC): Tổng công ty đã phân cấp mạnh, tăng cường tính chủ động cho các đơn vị trong công tác lập kế hoạch chi phí chi tiết cho từng hoạt động. Đặc biệt, Tổng công ty cũng bỏ hẳn cách đăng ký kế hoạch vốn quá cao so với nhu cầu để dự phòng, vì các chi phí sẽ được quyết toán theo khối lượng thực tế trong khuôn khổ định mức được duyệt. Nhờ xác lập được các phương án tính toán chi tiết, khoa học, đảm bảo việc giao và thực hiện hợp lý, minh bạch, ở EVN HCMC không còn cơ chế xin - cho.

* Ông Nguyễn Khắc Sơn - Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 (Genco1): Để nâng cao hiệu quả công tác kế hoạch, Genco 1 xử lý nghiêm khắc người đứng đầu đơn vị không hoàn thành kế hoạch được giao (trừ điều kiện bất khả kháng). Năm 2014, Genco 1 đã thay thế tổng giám đốc tại Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, do Công ty không hoàn thành kế hoạch năm 2013. Ngoài ra, ở Genco 1, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch được tổ chức định kỳ hàng tháng, nhất là tại các dự án trọng điểm, nhằm giám sát, chủ động giải quyết các phát sinh, các vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch.

 


  • 30/10/2014 05:12
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2929


Gửi nhận xét