Phát triển nguồn điện từ NLTT theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh): Liệu có khả thi?

Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), từ nay đến năm 2020, sản xuất điện từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm 9,9% tổng công suất nguồn điện, tăng 4,3% so với Quy hoạch điện VII. Mục tiêu này liệu có khả thi?

Thực tế và mục tiêu

Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện sản xuất từ năng lượng mặt trời (điện mặt trời), bao gồm cả nguồn tập trung lắp đặt trên mặt đất và các nguồn riêng lẻ lắp đặt trên nóc nhà, đưa công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850 MW năm 2020, khoảng 4.000 MW năm 2025. 

Ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng, Bộ Công Thương) cho biết, những năm trước đây, để phát triển nguồn điện mặt trời đòi hỏi suất đầu tư khá lớn. Song hiện nay, suất đầu tư điện mặt trời đã hấp dẫn hơn, dao động từ 1.400 - 1.800 USD/kW (tùy thuộc vào từng địa điểm) và có xu hướng giảm dần. Một số quốc gia sản xuất pin mặt trời còn đưa ra suất đầu tư chỉ còn từ 1.100 - 1.300 USD/kW. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã giao cho các bộ, ngành hữu quan xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời, như biểu giá điện, kèm các ưu đãi về thuế (thuế thu nhập, thuế nhập khẩu thiết bị, kết cấu hạ tầng)…

Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 30 nhà đầu tư lớn (trong và ngoài nước) đã xúc tiến lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20 MW đến trên 300 MW tại một số địa phương có tiềm năng, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung. Một dự án điện mặt trời với công suất 19,2 MW đã khởi công tháng 8/2015 tại Mộ Đức, Quảng Ngãi. Khoảng 5 – 6 dự án khác đang hoàn thiện hồ sơ bổ sung quy hoạch điện và xin cấp phép đầu tư. 

Đối với điện gió, khoảng 140 MW đã được lắp đặt và đang vận hành tại Việt Nam. Hơn 500 MW của gần 10 dự án đang xúc tiến đầu tư ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung bộ. 6 tỉnh đã có quy hoạch điện gió với tổng công suất dự kiến lắp đặt đến năm 2020 là trên 1.000 MW. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với việc phát triển điện gió (cả trên đất liền và gần bờ) là biểu giá điện hiện hành chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. 

Ông Cường khẳng định: “Từ nay đến năm 2020, Việt Nam còn hơn 4 năm để phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh). Trung bình mỗi năm có khoảng gần 400 MW (gồm cả điện gió và mặt trời) sẽ được lắp đặt. Tuy nhiên, nếu không sớm dỡ bỏ các rào cản và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thì việc đạt được các mục tiêu đề ra sẽ rất khó khăn”.

Hệ thống pin mặt trời lắp đặt trên tòa nhà Viện MT&TN - Đại Học Quốc Gia TP HCM - Nguồn: Internet

Cần sớm tháo dỡ những rào cản

Bà Phạm Cẩm Nhung – Quản lý Chương trình Năng lượng bền vững của WWF Việt Nam cho biết, năng lượng tái tạo là yếu tố không thể thiếu để phát triển bền vững Việt Nam trong tương lai, giúp con người chung sống hài hòa với thiên nhiên. Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành quốc gia phát triển năng lượng sạch và tái tạo mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Mục tiêu vào năm 2050, điện mặt trời có thể cung cấp ít nhất 35%, năng lượng gió cung cấp khoảng 15% nhu cầu điện của Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Nguyễn Đức Cường, vấn đề mấu chốt nhất hiện nay là thiết kế và ban hành biểu giá điện phù hợp cho cả điện gió và điện mặt trời, hài hòa lợi ích của cả 3 bên, đó là: Chủ đầu tư (bên bán điện), EVN (người mua điện) và mục tiêu phát triển nguồn điện xanh - không phát thải khí nhà kính của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời. 

Ngoài ra, phần lớn các nguồn điện gió, điện mặt trời chưa nằm trong quy hoạch của địa phương, chủ đầu tư phải mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục xin bổ sung vào Quy hoạch. Vì vậy, Chính phủ cần sớm ban hành quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo của quốc gia và từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các nguồn năng lượng này trong thời gian tới. 

Cũng theo ông Nguyễn Đức Cường, mục tiêu phát triển nguồn điện gió và điện mặt trời vào năm 2030 theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) còn có tham vọng lớn hơn nhiều so với năm 2020, với công suất 6.000 MW điện gió và 12.000 MW điện mặt trời. Điều này đồng nghĩa, điện gió tăng gần 8 lần và điện mặt trời tăng 15 lần. Đây là mục tiêu, nhưng cũng là thách thức rất lớn cho các cơ quan nhà quản lý nhà nước, EVN và các chủ đầu tư Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm nghiên cứu, xây dựng cơ chế ràng buộc đối với nhà đầu tư sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch. Ví dụ, vào năm 2020, nhà đầu tư muốn phát triển nhiệt điện than với công suất 1.000 MW phải sở hữu ít nhất 5% nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Tương ứng đến năm 2030, nhà đầu tư phải sở hữu ít nhất trên 10% nguồn điện gió hoặc điện mặt trời nếu muốn phát triển nhiệt điện than hoặc các nguồn điện khác... Có như vậy, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo theo đúng Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) mới trở thành hiện thực. 

Phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh):

Năm

Công suất (MW)

Tỷ trọng trong tổng công suất đặt (%)

Tổng sản lượng điện sản xuất (TWh)

Tỷ trọng trong tổng sản lượng điện sản xuất (%)

2015

2.046

5,2

6.047

3,7

2020

6.004

9,9

17.265

6,5

2025

12.009

12,5

27.761

6,9

2030

27.199

21,0

60.907

10,7

(Nguồn: Viện Năng lượng, Bộ Công Thương)


  • 23/06/2016 10:44
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 32482