Hai nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới

Bang California ( Mỹ) có khoảng 102.750 km2 là sa mạc nắng nóng. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển điện mặt trời. Tại đây, năm 1982, nhà máy quang điện công suất 1 MW đầu tiên trên thế giới đã được xây dựng. Hơn 30 năm sau, cũng tại bang California, người Mỹ đã xây dựng được hai trang trại điện lớn nhất thế giới.

Trang trại quang điện Topaz (công suất 550 MW)

Chủ sở hữu Topaz (Công ty MidAmerican Renewables) đã đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD và bắt đầu xây dựng trại quang điện này từ năm 2011. Topaz được hoàn thành, đi vào hoạt động vào tháng 11/2014. Có khoảng  hơn 400 công nhân tham gia lắp đặt gần 9 triệu tấm pin mặt trời trên diện tích gần 25 km2. Đây là loại pin quang năng Cadmium-telluride (CdTe) dạng mỏng, do Công ty First Solar (Mỹ) chế tạo.

Không giống như các trang trại điện mặt trời tập trung, Topaz không sử dụng nước trong quá trình sản xuất điện. Năng lượng mặt trời được tổng hợp trên các tấm pin quang năng. Với sản lượng hàng năm ở mức 1,1 GWh, Topaz có thể cung cấp điện cho khoảng 160.000 hộ gia đình và cắt giảm 300.000 tấn CO2 mỗi năm, tương đương lượng khí thải của 73.000 xe ô tô.

Topaz là nhà máy quang điện thương mại thứ hai được xây dựng tại bang California. Trước đó, Nhà máy California Valley Solar Ranch công suất 250 MW đã được hoàn thành năm 2011. Công ty First Solar sẽ tiếp tục đầu tư phát triển điện mặt trời tại bang California – nơi có 25% diện tích bang là sa mạc nắng nóng. Đây là điều kiện tự nhiên lý tưởng cho sản xuất điện mặt trời quy mô lớn.

Nhà máy điện mặt trời Topaz công suất 550 MW - Nguồn: Internet

Nhà máy sản xuất điện mặt trời tập trung Ivanpah (Công suất 392 MW)

Nhà máy điện mặt trời Ivanpah có tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, được xây dựng trên diện tích khoảng 13km2, tại sa mạc Mojave, bang California. Chủ đầu tư dự án là Công ty Năng lượng NRG, BrighSource và Google. Nhà máy được khởi công xây dựng từ tháng 10/2010, đi vào vận hành từ tháng 2/2014.

Ivanpah được trang bị khoảng 347.000 chiếc gương điều khiển bằng máy tính, mỗi chiếc cao khoảng 2,13m và rộng khoảng 3,05m. Hệ thống gương này được điều chỉnh để tập trung ánh sáng mặt trời vào 3 ngọn tháp cao gần 140m. Tại đây, nhiệt năng sẽ làm nước bốc hơi và chạy tuabin phát điện. Khi vận hành hết công suất, hệ thống  Ivanpah sẽ cấp điện đủ cho 140.000 hộ gia đình.

Hơn 1.700 công nhân đã làm việc trong suốt hơn 3 năm để xây dựng hoàn thiện Nhà máy điện mặt trời tập Trung Ivanpah. Khi nhà máy đi vào hoạt động, có khoảng 80 lao động tham gia vận hành và bảo dưỡng hệ thống.

Với việc sản xuất điện từ nguồn năng lượng sạch, Ivanpah giảm 400.000 tấn CO2 thải ra môi trường mỗi năm. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, việc Ivanpah đi vào vận hành thương mại là một mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của công nghệ điện mặt trời tập trung tại nước này.

Hiện nay, năng lượng mặt trời được khai thác chủ yếu theo 2 công nghệ: Sử dụng pin quang điện (PV) và hệ thống điện mặt trời tập trung (CSP).

- Nhà máy quang điện sử dụng các tấm pin quang điện để biến đổi năng lượng ánh sáng thành điện năng.

- Nhà máy điện mặt trời tập trung sử dụng hệ thống điều khiển số lượng lớn các tấm gương, tập trung ánh sáng mặt trời vào một điểm, đốt nóng chất lỏng, tạo hơi nước chạy tuabin phát điện.

Mỹ có 682 dự án năng lượng mặt trời đang hoạt động, đủ để cấp điện cho  1,7 triệu hộ dân. Tới năm 2017, khi có thêm một số dự án hoàn thành, khoảng 4 triệu hộ dân Mỹ sẽ được cấp điện từ năng lượng mặt trời.

 


  • 12/05/2015 03:48
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Thế giới điện
  • 29166


Gửi nhận xét