EVN tích cực thực thi lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang thực hiện lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng…

Hơn 900 tỷ đồng

Theo Quyết định số 1782/QĐ-TTg ngày 23/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015, EVN phải thực hiện thoái vốn, giảm vốn tại 7 công ty cổ phần (CTCP) có hoạt động không liên quan đến ngành nghề chính của Tập đoàn. Theo đó, EVN đã xây dựng lộ trình thoái vốn đến năm 2015. Kết quả trong năm 2013, EVN đã thực hiện thoái vốn thành công lần 1 tại CTCP Bảo hiểm Toàn cầu, chuyển nhượng cho Công ty International ERGO 1 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu từ 22,5% vốn điều lệ xuống còn 20%,  thu về 26 tỷ đồng.

Đồng thời, EVN cũng hoàn thành thoái vốn lần 1 tại Ngân hàng TMCP An Bình, chuyển nhượng cho Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco) 25,2 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ từ 24,3% xuống còn 16,02%, thu về 252 tỷ đồng; Hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại CTCP Đầu tư và Xây dựng Điện lực Việt Nam thu về 5 tỷ đồng.

Đến ngày 30/5/2014, EVN và các đơn vị thành viên đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại CTCP Bất động sản Sài Gòn Vina thu về 260 tỷ đồng; CTCP Bất động sản Điện lực miền Trung, thu về 158 tỷ đồng. Những kết quả trên cho thấy, EVN đang tích cực rút vốn, giảm vốn từ các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số vốn mà EVN và các đơn vị thành viên thu về từ lĩnh vực đầu tư ngoài ngành đã lên tới hơn 900 tỷ đồng, bổ sung cho xây dựng các công trình điện.

Thực hiện tái cơ cấu, EVN đang chú trọng triển khai các dự án nguồn và lưới điện nhằm đảm bảo điện cho nền kinh tế đất nước - Ảnh: Bảo Khang

Điều này cũng góp phần tạo nên thành công trong năm 2013, lần đầu tiên tổng giá trị khối lượng thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản của EVN đạt 104.791 tỷ đồng (tăng 46,68% so với năm 2012, chiếm 9,6% tổng mức đầu tư xây dựng toàn xã hội năm 2013), góp phần tăng cường năng lực cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Giàu - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đánh giá cao những kết quả đạt được của EVN trong công tác thoái vốn ngoài ngành thời gian qua. Ông Giàu nhấn mạnh: EVN cần phải quyết tâm và quyết liệt hơn nữa trong việc thoái vốn, giảm vốn đầu tư ngoài ngành và báo cáo cụ thể với Chính phủ.

Cần khẩn trương

Theo lộ trình, từ nay đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành việc thoái vốn, giảm vốn đầu tư ngoài ngành với tổng giá trị là 1.588 tỷ đồng. Để tạo thuận lợi cho việc thoái vốn, giảm vốn ngoài ngành của EVN, cuối năm 2013, Bộ Công Thương đã phê duyệt phương án thoái vốn của EVN tại Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS). Theo đó, thống nhất thoái toàn bộ vốn góp của EVN tại ABS với số lượng hơn 11 triệu cổ phần theo hình thức bán đấu giá đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, thu hồi vốn có hiệu quả ở mức cao nhất có thể tại thời điểm chuyển nhượng.

EVN đã thoái vốn toàn bộ tại CTCP Bất động sản Điện lực miền Trung - Nguồn st: Landtoday

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong trường hợp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái vốn không thành công, Chính phủ sẽ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng và các lĩnh vực khác, theo chức năng và nhiệm vụ được giao. Giá mua được xác định theo giá thị trường, nhưng không cao hơn giá trị trên sổ sách kế toán trừ đi khoản dự phòng giảm giá đầu tư đã được trích lập đầy đủ theo quy định.

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực chứng khoán, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, giải pháp của Chính phủ được xem là cơ chế “mở’ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Đối với EVN Finance, EVN hiện đang làm việc với CTCP Chứng khoán An Bình để thực hiện xác định giá trị cổ phần và chuẩn bị các hồ sơ đấu giá theo quy định. Đối với CTCP Bảo hiểm Toàn cầu, tùy theo điều kiện thị trường, EVN sẽ tìm kiếm đối tác chuyển nhượng vào thời điểm phù hợp, theo đúng quy định hiện hành.


  • 22/09/2014 04:28
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3571


Gửi nhận xét