Cổ phần hóa các Genco: Mục tiêu phát triển doanh nghiệp, đảm bảo an ninh năng lượng

Việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cổ phần hóa (CPH) 3 tổng công ty phát điện (Genco 1, 2, 3) để dần hình thành thị trường điện bán buôn cạnh tranh thí điểm vào năm 2015, đồng thời hướng tới minh bạch trong hoạt động điện lực đang đặt ra cho EVN những thách thức không nhỏ.

Còn nhiều khó khăn

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động chính thức, (từ ngày 01/01/2013 đến nay) các Genco dần đi vào ổn định, đã tiếp quản và vận hành an toàn, liên tục các nhà máy điện. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động các Genco vẫn còn khó khăn trong việc tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của EVN trong quản lý, vận hành, đầu tư, tham gia thị trường điện; Cơ cấu tổ chức quản lý Công ty mẹ cần phải hoàn thiện thêm; Nguồn nhân lực có chất lượng trong công tác quản lý, điều hành của công ty mẹ còn thiếu, đặc biệt là nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong công tác đầu tư xây dựng.

Mặc dù năm 2013, trong sản xuất kinh doanh, các Genco đã có lãi, nhưng tỷ suất sinh lời rất thấp. Cả 3 Genco đều có các nhà máy phát điện với giá thành sản xuất điện cao trong khi giá bán điện thấp chưa đảm bảo bù đắp chi phí. Tại một số cụm nhà máy, việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào dẫn tới không tận dụng được hết năng lực phát điện. Chi phí sản xuất điện có xu hướng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới do nguồn cung nguyên nhiên liệu đầu vào ngày càng khan hiếm.

Cổ phần hóa các đơn vị ngành Điện nằm trong lộ trình tái cơ cấu EVN. Ảnh: Vũ Lam

Ông Đinh Quang Tri – Phó tổng giám đốc EVN đánh giá: “Tình hình tài chính của các Genco đều khó khăn, chưa đáp ứng các chuẩn mực để đảm bảo hoạt động bình thường và có khả năng tự huy động vốn, trong đó hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các Công ty mẹ - Genco 1 và Genco 3 đều vượt quá 3 lần. Để tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 3 lần, đảm bảo hoạt động bình thường và khả năng huy động vốn, Genco 1 và Genco 3 cần được bổ sung vốn để đưa mức vốn chủ sở hữu lên tương ứng 17.111 tỷ đồng và 22.196 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền thu được từ lợi nhuận và khấu hao để lại chỉ đáp ứng được phần nhỏ cho hoạt động đầu tư phát triển các dự án nguồn điện mới”.

Không những vậy, khối lượng đầu tư của các Genco trong thời gian tới là rất lớn. Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đầu tư, các Genco cần được bổ sung vốn chủ sở hữu để làm vốn đối ứng thực hiện các dự án nguồn điện, cụ thể: Với tổng mức đầu tư trên 81.478 tỷ đồng để thực hiện 5 dự án, Genco 1 cần vốn đối ứng trên 24.443 tỷ đồng; Genco 2 với tổng mức đầu tư là 17.613 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án cần 5.284 tỷ đồng vốn đối ứng; Genco 3 với tổng mức đầu tư 132.174 tỷ đồng để thực hiện 6 dự án cần 39.652 tỷ đồng để đối ứng.

Ngoài ra, cơ chế đầu tư các dự án do các Genco là chủ đầu tư còn nhiều rủi ro khi Genco không trực tiếp đi vay, phải vay lại từ EVN. Sau cổ phần hóa, EVN không thể bảo lãnh 100% vốn vay như khi các Genco còn là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Những khó khăn này khiến cho việc tiến hành cổ phần hóa các Genco sẽ gặp trở ngại, đòi hỏi tập trung tháo gỡ.  

Giải pháp nào?

Ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch HĐTV EVN cho rằng: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua EVN đã xây dựng lộ trình cụ thể để hoàn thiện việc cổ phần hóa 3 Genco vào năm 2017. Ông Vượng cũng lưu ý rằng, việc cổ phần hóa là rất cần thiết nhưng phải bảo toàn được vốn của nhà nước và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, công khai hơn, minh bạch hơn và có hiệu quả hơn trong sản xuất kinh doanh điện, hướng tới mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an ninh cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội.

Chia sẻ quan điểm này ông Khiếu Hữu Bộ - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) cũng cho rằng: “Việc cổ phần hóa 3 Genco sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, cổ phần hóa là hướng đến sự phát triển chứ không phải làm theo phong trào. Chính vì vậy, EVN cần tính toán cụ thể, chặt chẽ để vừa đảm bảo được tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vừa đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia”.

Việc cổ phần hóa các tổng công ty phát điện phải giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững. Ảnh: Vũ Lam

Xác định đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, trên cơ sở nghiên cứu kỹ hoạt động của các Genco, EVN đã đưa ra các giải pháp để khắc phục những khó khăn, tạo điều kiện để các Genco phát triển bền vững sau cổ phần hóa.  

Đối với việc khắc phục những khó khăn về tài chính, EVN yêu cầu các Genco cân đối tài chính đảm bảo khả năng trả nợ lãi vay và đảm bảo đủ nguồn vốn đầu tư thông qua gói giải pháp: Tái cơ cấu các khoản vay Genco bằng cách chuyển chủ thể các hợp đồng tín dụng từ EVN cho các Genco, kéo dài thời gian trả nợ, giảm tỷ lệ lãi suất; EVN phát hành trái phiếu để cho Genco vay lại, đảm bảo mục tiêu lành mạnh tài chính trong thời gian đầu tiên sau khi tiếp nhận đầy đủ hợp đồng tín dụng từ EVN; Thực hiện đánh giá lại giá trị tài sản của các nhà máy phát điện hạch toán phụ thuộc trong công ty mẹ-Genco khi thực hiện cổ phần hóa; Lựa chọn phương pháp phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, đảm bảo dòng tiền kinh doanh và đầu tư của Genco trong điều kiện bình thường. Ngoài ra, cơ cấu tổ chức quản lý công ty mẹ chưa hợp lý sẽ được đề xuất để xử lý khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Về phương án cổ phần hóa cùng lúc 3 Genco hay triển khai lần lượt mỗi năm một Genco, Chủ tịch HĐTV EVN Hoàng Quốc Vượng cho rằng: “Việc cổ phần hóa 3 Genco cùng lúc là rất khó khăn, chúng tôi sẽ rà soát lại lộ trình cụ thể để từ nay đến năm 2017 sẽ cổ phần hóa 3 Genco và đánh giá sát sao Genco nào có thể làm trước và Genco nào làm sau để đảm bảo lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính của các Genco cũng như đảm bảo được nguồn vốn của nhà nước”.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, ông Đinh Quang Tri cho rằng: “Phương án làm lần lượt từng Genco là phương án cẩn trọng. Chọn phương án này giúp chúng ta vừa tích lũy kinh nghiệm của đơn vị làm trước để áp dụng đơn vị sau, đồng thời huy động nguồn vốn trong 3 năm sẽ thuận lợi hơn”.

Thông báo số 22/TB-VPCP ngày 17/01/2014 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải:

“Trước mắt chọn một Genco hoạt động tương đối ổn định, chuẩn bị hồ sơ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định để thực hiện thí điểm CPH trong năm 2014-2015. Rút kinh nghiệm để tiến hành CPH các Genco còn lại trong các năm tiếp theo.

Ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch HĐTV EVN cho rằng:  

Việc CPH các Genco (là doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu) nhằm huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính. Thông qua việc CPH sẽ nâng cao được năng lực quản trị với mục tiêu cuối cùng là tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các nhà máy điện, đồng thời vẫn phải đảm bảo an ninh cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.


 


  • 27/08/2014 10:31
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 2687


Gửi nhận xét