Quản trị sự… căng thẳng

Stress là trạng thái tâm lý tiêu cực, tạo ra không khí làm việc căng thẳng, thiếu lành mạnh. Vì vậy, vai trò quan trọng của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý DN là phải quản trị căng thẳng, đảm bảo sức khỏe cho nhân viên làm việc hiệu quả.

Căng thẳng là một trạng thái tâm lý, ảnh hưởng đến tinh thần và chất lượng công việc của người lao động. Trong doanh nghiệp (DN), lãnh đạo thường có khả năng truyền cảm hứng tích cực cho cấp dưới, làm cho họ có thể vượt qua ngưỡng stress và thu được những thành công mới. Mặt khác, nếu stress quá mức chịu đựng của con người, có thể gây ra những tác động tiêu cực như cảm giác bất an, lo lắng quá mức, kém ăn, mất ngủ, làm việc kém hiệu quả…Hậu quả cuối cùng có thể gây ra bệnh lý về tinh thần và thể chất... 

Stress là căn bệnh xã hội thời công nghiệp đã tồn tại phổ biến trong các doanh nghiệp, tổ chức, có nhiều công việc phức tạp và có tính cạnh tranh cao. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, năm 2017, Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress. Trong số này có đến 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng.  Đối tượng của stress có thể xảy ra ở mọi vị trí công tác trong DN, từ nhân viên đến các cấp quản lý, lãnh đạo. 

Ảnh minh họa

Quản trị stress bằng văn hóa doanh nghiệp

Giảm stress, tăng sức khỏe tinh thần và thể chất cho người lao động không còn là vấn đề của mỗi cá nhân mà phải là vấn đề quản trị DN, thuộc trách nhiệm của lãnh đạo DN. Từ góc độ của quản trị DN, cần giải quyết vấn đề này một cách có hệ thống, khoa học và lâu dài.

Một là, cần vun trồng, chăm sóc một môi trường làm việc nội bộ của DN có tính nhân văn, đoàn kết, chia sẻ, tăng tính công bằng, công khai, minh bạch.
Chúng ta đã thấy tư tưởng văn hóa là nền tảng tinh thần của tổ chức, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển của các tổ chức và xã hội đã được thực tiễn chứng thực. Tuy nhiên, khi xây dựng môi trường làm việc của DN, trước tiên, phải chú ý đến môi trường bên trong DN. Hiện nay đang tồn tại hai quan điểm về vấn đề này: (1) Xây dựng không khí hòa thuận, chia sẻ, ổn định để nhân viên làm việc thuận lợi. (2) Xây dựng không khí có tính thách thức, áp lực, cạnh tranh để thử thách nhân viên, qua đó DN chọn được người tài. Theo chúng tôi, nhìn chung DN cần cả hai phương pháp quản trị nhân sự này song lựa chọn tiêu chí nào cho phù hợp cần căn cứ vào đặc điểm ngành nghề, hoàn cảnh, các yếu tố bên trong và bên ngoài tổ chức…Dù chọn cách nào cũng cần tuân thủ các nguyên tắc: Tạo ra tổ chức là để nhân sự làm việc cùng nhau có hiệu quả, hợp thành sức mạnh của hệ thống, làm cho người lao động có cuộc sống hạnh phúc, thành công. Lãnh đạo không nên có các quyết định, phương pháp quản trị làm cho nhân viên bị stress quá mức gây ra nhiều bệnh công việc/nghề nghiệp nặng nề cho nhân viên.

Đối với người Việt Nam, đặc điểm chung là thích làm việc trong các tổ chức có môi trường tâm lý nhân văn, có tính đoàn kết, chia sẻ, công bằng và ổn định. Trong điều kiện dân chủ được cải thiện, hội nhập quốc tế đang rộng mở như hiện nay, người lao động mong muốn tăng tính công khai, minh bạch, giải trình của DN, tổ chức. Sự thi đua, cạnh tranh nội bộ là cần thiết, song nên giữ ở mức độ không gây ra căng thẳng và lan truyền stress, dẫn đến trầm cảm, tâm thần…

Hai là, quản trị nguồn sức khỏe, phát triển nhân viên theo tinh thần VHDN, tuân thủ các giá trị cốt lõi của DN
Sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi trong VHDN là các viên đá tảng tạo nên tư tưởng, đạo đức và lối sống của DN, đảm bảo cho nhân viên có thể cống hiến hết mình và DN phát triển bền vững. Vì vậy, nội dung, hình thức biểu hiện của VHDN phải đảm bảo cho nhân viên có sức khỏe tinh thần và thể chất, có một môi trường thuận lợi phát triển bản thân, cống hiến một cách hiệu quả cho tổ chức và xã hội.

Khẩu hiệu hành động của EVN “EVN thắp sáng niềm tin”, Giá trị cốt lõi: Chất lượng - Tín nhiệm, Tận tâm - Trí tuệ, Hợp tác - chia sẻ, Sáng tạo - hiệu quả... đều nhấn mạnh tới giá trị và sức mạnh tinh thần của niềm tin, tín nhiệm, tận tâm… 

Ba là, mỗi người phải không ngừng rèn luyện sức khỏe và phát triển bản thân, tìm thấy ý nghĩa và niềm vui trong công việc và đời sống hàng ngày. Thái độ chủ động, tích cực, tinh thần lạc quan, vui vẻ, phong cách sống văn minh, hướng tới chân - thiện - mỹ chính là thần dược trong phòng chống stress và bệnh tật. Lãnh đạo cần biết sử dụng phương pháp quản trị nhân sự và tổ chức bằng VHDN. Nếu cán bộ lãnh đạo, quản lý coi trọng chất lượng công việc và cuộc sống, thích văn nghệ, thể thao, có tác phong sinh hoạt hòa nhập, dân chủ với nhân viên, chắc chắn sẽ xây dựng được môi trường văn hóa doanh nghiệp tốt. 
 


  • 20/10/2020 03:41
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 3414