Nghệ thuật động viên của người lãnh đạo

Người ta thường nói: “Lãnh đạo đơn giản là việc truyền cảm hứng; người lãnh đạo là người truyền cảm hứng”. Nói cách khác, người lãnh đạo giỏi có khả năng động viên, khích lệ nhân viên làm việc hăng say, bền bỉ, đạt chất lượng và hiệu quả cao. Điều này đòi hỏi họ không chỉ có nhiều năng lượng, sự thông minh (IQ) mà còn có sự thấu cảm của trí tuệ cảm xúc (IQ) và tình thương, lòng trắc ẩn (LQ).

Các cấp độ của nhu cầu và sự động viên

Sự động viên, còn gọi là tạo động lực chỉ có kết quả tốt khi người lãnh đạo nắm bắt và giải quyết đúng nhu cầu, mong đợi cho nhân viên và người khác. Nhu cầu của một người trưởng thành nói chung, một thành viên trong một DN rất phong phú, đa dạng và khác nhau.

Về cơ bản, chúng ta có thể nhận biết được nó qua mô hình tháp 5 tầng nhu cầu và động cơ hoạt động của con người của GS. Abraham Harold Maslow công bố năm 1954 gồm: (1) nhu cầu sinh lý - thể lý, (2) nhu cầu an toàn, (3) nhu cầu giao lưu tình cảm, thuộc về xã hội, (4) nhu cầu được tôn trọng, tin tưởng, (5) nhu cầu được tự thể hiện, sáng tạo.

Theo A. Maslow, mức độ ưu tiên của nhu cầu được xếp theo thứ tự từ dưới lên trên, khi nhu cầu bậc dưới chưa được thỏa mãn thì nhu cầu bậc trên chưa trở thành động lực; khi một nhu cầu được thỏa mãn rồi thì nó không còn là động lực nữa. 

Như vậy, muốn động viên nhân sự thì người lãnh đạo cần nắm bắt được cả hai loại nhu cầu sinh lý - sinh tồn và nhu cầu tâm lý - xã hội, phát triển của của nhân viên và phải ưu tiên giải quyết các nhu cầu đảm bảo cho sự sinh tồn cho họ, trước hết là các khả năng kinh tế về việc ăn, uống, ở, nghỉ, đi lại, sự an toàn, an ninh…

Một người lãnh đạo giỏi hiểu rằng, sự động viên cần bằng nhiều hình thức và có sự ưu tiên khác nhau với mỗi người cụ thể. Nếu một tổ chức cứ mãi loay hoay chưa giải quyết đươc các nhu cầu bậc thấp và trung bình của con người (từ 1 đến 3) cũng có nghĩa là nó chưa tạo ra được môi trường làm việc tốt, chưa khai thác, phát huy được nhiều tiềm năng con người, tất dẫn đến sự rối loạn, trì trệ, những người giỏi, người tài sẽ tìm cách bỏ đi…

Ảnh minh họa

Các hình thức động viên hiệu quả 

Một nhà lãnh đạo xuất sắc sẽ biết vận dụng các lý luận một cách linh hoạt để đạt hiệu quả cao và sự bền vững. Họ biết rằng, thực tế phong phú hơn nhiều so với mô hình Tháp nhu cầu của Maslow nên sự động viên có thể sử dụng kết hợp nhiều hình thức khác nhau.

Thông thường, tiền là nhu cầu rất quan trọng đối với người nghèo và nhân viên mới song nó vẫn còn là một nguồn động viên quan trọng đối với người giàu, người có chức vụ cao. Bởi tiền lương và thưởng ngoài việc để giải quyết nhu cầu sinh lý, an toàn còn thể hiện mức độ tôn trọng, đối xử công bằng của tổ chức và mức độ công nhận sự thành công của người được nhận.

Người có nhiều tiền sẽ có điều kiện sống tự do và tự thể hiện mình như giúp đỡ được nhiều người khác, theo đuổi đam mê cá nhân, làm thiện nguyện…Tuy nhiên, sự động viên bằng tiền và các yếu tố vật chất khác chỉ có hiệu quả khi tổ chức thực hiện một cách khoa học, công bằng. Và người lãnh đạo hiệu quả luôn biết cách tạo động lực cho nhân viên bằng các hình thức ngoài tiền, tiến gần tới nghệ thuật động viên.

Tạo động lực bằng sự chân thành của người lãnh đạo

Nhà lãnh đạo tài năng, có nghệ thuật lãnh đạo hiệu quả hiện nay có một số đặc điểm và nguyên tắc tạo động lực cho cấp dưới sau đây:
- Là người có nhiều năng lượng, nhiệt huyết, hết lòng phấn đấu vì sứ mệnh, mục tiêu và lợi ích chung của tổ chức; không tham lam, tư lợi, thu vén cho cá nhân và nhóm của mình trước lợi ích của tập thể. Lãnh đạo có lý tưởng, sứ mệnh và năng lượng lớn mạnh sẽ tạo ra các giá trị và động lực làm việc và phấn đấu cho nhân viên.

- Thực tâm và nhất quán tôn trọng và chăm lo tới đời sống, nhu cầu và hoạt động của nhân viên; nhận thức được rằng nguồn nhân lực là tài nguyên quan trọng nhất của tổ chức và chú trọng chăm sóc, khai thác và phát huy nó để tạo ra sự thành công và phát triển bền vững của DN.

- Xây dựng và gương mẫu thực hiện quản trị nhân sự khoa học và nhân văn, nhất là chế độ đãi ngộ và khen thưởng, kỷ luật của tổ chức. Thể chế quản trị tốt sẽ tạo ra sự vận hành khách quan, hiệu quả, ổn định; sự vận dụng yếu tố ưu tiên đúng mức có thể là phương pháp động viên tình cảm nhân văn, có tác dụng truyền cảm hứng tích cực song không làm mất đi sự công bằng và minh bạch trong công tác nhân sự.

- Có phong cách lãnh đạo mà như không lãnh đạo,“lãnh đạo phục vụ”; gần gũi với cấp dưới, hướng dẫn và quản lý họ chủ yếu bằng uy tín cá nhân, sự động viên, ý thức tự giác làm việc và tự khẳng định của họ. Việc bạn là đại diện cho lãnh đạo tổ chức có mặt trong các sự kiện quan trọng của gia đình nhân viên có tác dụng chia sẻ, động viên họ rất lớn. 

- Có kỹ năng giao tiếp khéo léo, hiệu quả: quan tâm, nhớ tên cấp dưới, không nên tiết kiệm lời khen với họ; động viên và khen thưởng đúng người, đúng việc, kịp thời; phê bình cần khéo và phạm vi hẹp, tuyên dương và khen thưởng cần trước số đông; thành tâm lắng nghe và khuyến khích cấp dưới dám nói ra ý kiến cá nhân, nhận xét phê bình, phản biện cấp trên và có sáng kiến, sáng tạo. 
 


  • 09/12/2020 03:26
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 3401