Tổng kết "Dự án Tiết kiệm năng lượng và Sản xuất sạch hơn tại Việt Nam

Hội nghị tổng kết "Dự án Tiết kiệm năng lượng và Sản xuất sạch hơn tại Việt Nam” (CPEE) do Tổng cục Năng lượng tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội. Đánh giá kết quả thực hiện dự án sau 5 năm triển khai, ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng cho biết, dự án đã đạt được những kết quả tích cực đối với những mục tiêu đã đặt ra.

Tính đến thời điểm dự án kết thúc, đã có 3 Thông tư về kế hoạch hành động và định mức tiêu thụ năng lượng trên đơn vị sản phẩm được ban hành cho 3 ngành: Hóa chất, đồ uống và nhựa. Thông tư về kế hoạch hành động và định mức tiêu hao năng lượng cho ngành giấy & bột giấy dự kiến sẽ ban hành trong năm 2017.

Hội nghị tổng kết Dự án CPEE, dự án cũng đã đạt được những kết quả tích cực trong sử dụng năng lượng hiệu quả - Ảnh: Ng.Tuấn.

Trong khuôn khổ dự án CPEE, Chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Chương trình VA) đã được triển khai thành công với 7 doanh nghiệp tham gia kí kết thỏa thuận tự nguyện về tiết kiệm năng lượng với Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương. Các doanh nghiệp đến từ các ngành, lĩnh vực khác nhau như: Dệt may, giấy, đồ uống, thực phẩm... đã cam kết cắt giảm mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm hoặc cam kết thực hiện theo số lượng các giải pháp tiết kiệm năng lượng được đề xuất sau kiểm toán chi tiết.

Nhiều khóa đào tạo nâng cao về ESCO được tổ chức với trên 30 đơn vị tham gia, trong đó có 35 học viên được cấp chứng chỉ chuyên gia ESCO quốc tế, 43 học viên được cấp chứng nhận ESCO ở cấp quốc gia cùng nhiều hoạt động truyền thông khác cũng được triển khai…

Báo cáo kết quả thực hiện dự án CPEE, đại diện Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Tổng Cục Năng lượng – Bộ Công Thương cho biết, theo số liệu ước tính, năm 2017, dự án này sẽ đạt mức tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính lần lượt là hơn 249.000 TOE (tấn dầu quy đổi) và hơn 933.000 tấn CO2.

Tuy nhiên, con số này mới chỉ đạt lần lượt 70% mục tiêu về tiết kiệm năng lượng và 75% mục tiêu về tiết giảm phát thải khí nhà kính so với thiết kế ban đầu của dự án.

Các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, việc nâng cao sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm sẽ có tác động tốt tới hoạt động sản xuất. Việt Nam có thể tiết kiệm 11% năng lượng, tương đương 11 GW trong tương lai nếu có sự đầu tư thích hợp cho sử dụng năng lượng.

Bên cạnh đó là có cơ chế chuyển từ việc tự nguyện tham gia thành cơ chế mang tính bắt buộc hơn; xây dựng cơ chế luật, chế tài... giúp doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn tiết kiệm năng lượng.

Cũng tại hội nghị, mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) cũng như kết quả triển khai của các mô hình này cũng được đề cập. Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị triển khai thành công nhiều mô hình ESCO đã chia kinh nghiệm triển khai mô hình này.

Dự án CPEE, do Ngân hàng thế giới (World Bank) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Dự án triển khai từ năm 2012 – 30/06/2017.

Dự án nhằm mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn trong việc cải thiện hiệu suất năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính; đồng thời thiết kế và xây dựng bản kế hoạch hành động cho một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, xây dựng chiến lược tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp.

CPEE bao gồm 03 hợp phần: Xây dựng kế hoạch hành động năng lượng hiệu quả cho các ngành công nghiệp trọng điểm; Phát triển các nhà cung cấp dịch vụ năng lượng; Xây dựng năng lực cho quản lý chương trình, giám sát và đánh giá kết quả. Dự án đặt mục tiêu đạt được mức tiết kiệm năng lượng 360,4 nghìn TOE và đạt mức giảm phát thải khí nhà kính 1,25 triệu tấn CO2 vào năm thứ 5.