Hội nghị cấp cao lần thứ 4 của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam

Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) diễn ra ngày 24/1 tại Hà Nội. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của hơn 150 đại biểu đại diện cho các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng. Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đặng Hoàng An chủ trì.

"Cùng nhau chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam" là khẩu hiệu mới của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam khẳng định rõ mục tiêu tiếp tục đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả và góp phần định hình quá trình chuyển dịch năng lượng của quốc gia. 

Hội nghị cấp cao lần thứ 4 Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến - Ảnh: Th. Trung.

Hội nghị cấp cao tổng kết những thành tựu và đóng góp tích cực của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam trong suốt hơn 4 năm hoạt động với vai trò là diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao kết nối Chính phủ Việt Nam với các đối tác phát triển và các bên liên quan nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam.

Hội nghị đồng thời giới thiệu 5 nhóm công tác kỹ thuật mới bao gồm: Quy hoạch chiến lược ngành Điện; Năng lượng tái tạo; Tích hợp lưới điện và hạ tầng lưới điện; Hiệu quả năng lượng và Thị trường năng lượng.

Trong phiên thảo luận chuyên đề cấp cao, đại biểu từ các tổ chức uy tín đã tích cực tham gia trao đổi ý kiến xoay quanh các chủ đề như Quy hoạch điện VIII theo định hướng của Chính phủ về chuyển dịch năng lượng bền vững, cũng như những kết quả, tác động của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đối với định hướng của ngành năng lượng Việt Nam.

Tại phiên thảo luận, nhiều kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị cũng được chia sẻ tại cuộc họp nhằm tháo gỡ những khó khăn về kỹ thuật và đầu tư cho chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Đặng Hoàng An cho biết, Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch điện VIII với các nội dung bám sát các định hướng nguyên tắc của Nghị quyết 55, đặc biệt chú trọng những nội dung lớn liên quan đến cơ cấu của ngành Điện, nguồn điện, và đồng bộ với phát triển hệ thống điện, hạ tầng điện.

Trong những năm qua Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò là một diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác quốc tế, kết nối sự hỗ trợ quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Ông Giorgio Aliberti - Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho hoạt động của VEPG và sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để xây dựng lộ trình tài chính bền vững và lâu dài cho quan hệ đối tác này, bao gồm chiến lược huy động sự đóng góp của các đối tác công, tư và các đối tác phát triển để duy trì hoạt động của VEPG. Tôi tin tưởng rằng với cấu trúc mới, VEPG sẽ tiếp tục là nền tảng hữu ích và độc đáo trong việc điều phối hoạt động đối thoại và các hành động giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu chuyển dịch năng lượng của mình."

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng tuyên bố, để thực hiện được những mục tiêu trên, chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường phát triển ngành năng lượng xanh hơn và bền vững hơn.

Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) được thành lập vào tháng 6 năm 2017 theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển nhằm mục đích tăng cường hợp tác giữa các bên, kết nối và phối hợp hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho ngành năng lượng tại Việt Nam. Hiện nay, hoạt động của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì và đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì.

Mục tiêu chung của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) là hướng đến sử dụng hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.


  • 25/01/2022 09:31
  • Thành Trung
  • 1120