Hệ thống cáp ngầm mới sẽ kết nối Vương quốc Anh với Ireland và lục địa Châu Âu. Ảnh Financial Times
|
Theo Cơ quan Quản lý Năng lượng Anh (Ofgem), các dự án cáp ngầm mới sẽ tác động nhẹ đến hóa đơn tiền điện của mỗi hộ gia đình, tăng từ 2 đến 5 bảng mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2030 đến 2055. Dự án cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió tại Biển Bắc, cung cấp điện cho hàng triệu hộ gia đình Anh.
Trong đó có hai dự án sẽ kết nối trực tiếp với các trang trại gió ở Bỉ và Hà Lan, giúp khai thác tiềm năng gió của khu vực.
Ba dự án còn lại sẽ kết nối giữa Anh và Đức, Wales và Ireland, Scotland và Bắc Ireland, với tổng công suất hơn 6GW và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2032. Khi hoàn thành, các tuyến cáp này sẽ nâng tổng công suất kết nối quốc tế của Vương quốc Anh lên 18GW, giúp quốc gia dễ dàng nhập khẩu và xuất khẩu điện, duy trì ổn định nguồn cung.
Việc kết nối lưới điện châu Âu giúp ổn định nguồn cung từ năng lượng tái tạo, như năng lượng gió và mặt trời. Hệ thống cáp ngầm mới sẽ cho phép Vương quốc Anh xuất khẩu điện dư thừa vào những ngày có gió mạnh hoặc nhập khẩu khi sản lượng điện tái tạo trong nước giảm.
Hiện tại, Vương quốc Anh đã có 9 tuyến cáp ngầm đang hoạt động và hai tuyến khác đang được xây dựng. Theo Bộ An ninh Năng lượng và Net Zero, trong quý 2 năm nay, 13% điện năng tiêu thụ tại Anh được nhập khẩu qua các tuyến cáp này.
Giáo sư Dieter Helm từ Đại học Oxford, chuyên gia về thị trường năng lượng, nhận định: “Việc xây dựng các tuyến cáp này nhanh chóng là điều tốt, bởi chúng cần thiết để đảm bảo nguồn cung điện ổn định.” Ông dự báo rằng vào năm 2030, khoảng 20-25% nhu cầu điện của Vương quốc Anh sẽ được đáp ứng thông qua các kết nối quốc tế và quản lý nhu cầu điện chủ động, bao gồm các hình thức “cắt giảm tự nguyện” trong thời kỳ cao điểm.
Tuy nhiên, ông Helm cũng lưu ý rằng Vương quốc Anh không còn là thành viên của thị trường năng lượng nội khối EU, dẫn đến các thủ tục hành chính phức tạp hơn khi vận hành các tuyến cáp mới này. Ông đặt câu hỏi về việc liệu các quốc gia EU có tiếp tục cung cấp điện cho Vương quốc Anh trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, hay sẽ ưu tiên cho nhu cầu nội địa của họ.
Vương quốc Anh vừa ghi nhận mức nhập khẩu điện kỷ lục với 12,1TWh trong quý này, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, Anh cũng xuất khẩu 2,9TWh, tăng 75% so với năm trước. Ofgem dự báo rằng vào những năm 2030, khi các dự án điện gió mới của Anh đi vào hoạt động, quốc gia này sẽ chuyển từ nhập khẩu ròng sang xuất khẩu ròng điện năng.
Akshay Kaul, Giám đốc Cơ sở Hạ tầng của Ofgem, cho biết các tuyến cáp ngầm mới sẽ giúp Anh khai thác tiềm năng năng lượng gió ở Biển Bắc hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch từ nguồn tái tạo không liên tục như gió và mặt trời. Ông cũng nhận định rằng hệ thống truyền tải mới sẽ giúp giảm chi phí năng lượng và giảm bớt phụ thuộc vào thị trường khí đốt nước ngoài, vốn nhiều biến động và thường xuyên tăng giá.
Ofgem đã phê duyệt một số dự án truyền tải điện quan trọng, bao gồm: Tuyến đường dây Tarchon trị giá 2,4 tỷ bảng Anh kết nối với Đức; Dự án MaresConnect trị giá 860 triệu bảng Anh; Dự án LirlC trị giá 700 triệu bảng Anh; Hai tuyến đường dây khác kết nối các trang trại gió tại Hà Lan và Bỉ do National Grid phát triển.
Theo Ofgem, thông thường các dự án truyền tải này mất từ 6-10 năm để chuyển từ giai đoạn lập kế hoạch sang vận hành và từ 3-5 năm để hoàn thiện xây dựng. Tuy nhiên, nhu cầu cao về cáp và hạ tầng đang trì hoãn quá trình triển khai.
Bên cạnh đó, Vương quốc Anh cũng áp dụng cơ chế "giới hạn và mức sàn," nhằm đảm bảo các nhà phát triển dự án năng lượng nhận được mức lợi nhuận tối thiểu, đồng thời giới hạn lợi nhuận tối đa trong thời gian 25 năm. Cơ chế này không chỉ tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng mới mà còn đảm bảo giá điện ổn định, phù hợp với lợi ích của cộng đồng và mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững.
Nguyệt Hà (Theo Financial Times)
Share