Việt Nam có thể áp dụng kinh nghiệm giảm tổn thất điện năng của nước ngoài?

Vừa qua, EVN đã phối hợp với Hội Điện lực Việt Nam, Hiệp hội Đồng quốc tế khu vực Đông Nam Á tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về quản lý tổn thất điện năng (TTĐN) trong hệ thống điện. Sau đây là ý kiến của một số chuyên gia bên lề Hội thảo.

TS. Chao Shun Chen - Giảng viên Trường đại học I-Shou, chuyên gia Công ty Điện lực Đài Loan:

Xây dựng hệ thống tự động hóa

Để giảm TTĐN, Công ty Điện lực Đài Loan đã xây dựng và phát triển lưới điện thông minh với hệ thống tự động phân phối gồm 3 loại cấu trúc vận hành: Cấu trúc mạch vòng đóng (áp dụng đối với các phụ tải quan trọng), cấu trúc mạch vòng hở và cấu trúc đơn giản (áp dụng đối với vùng nông thôn). Nhờ đó, TTĐN ở Đài Loan giảm từ 6,02% năm 1990 xuống còn 3,72% năm 2015; thấp thứ 2 thế giới. 

Ngoài ra, việc sử dụng các thiết bị tự động hóa đã làm tăng độ tin cậy của hệ thống;  giảm thời gian mất điện bình quân hàng năm của khách hàng (SAIDI) tại Đài Loan từ 1 giờ xuống còn 2 phút.

Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ này và Công ty Điện lực Đài Loan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ các quốc gia giảm TTĐN. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn có những khó khăn riêng, vì vậy, cần cân đối hài hòa giữa đầu tư số tiền lớn để giảm TTĐN với những nhiệm vụ cấp bách hơn, như: Đầu tư nguồn điện, xây dựng hệ thống truyền tải điện, lưới điện hạ áp phân phối…

Ông Hou Yiming, chuyên gia Viện Nghiên cứu Điện lực (Trung Quốc): 

Cần phân định rõ các giải pháp

Trong quá trình truyền tải và phân phối điện, TTĐN là không thể tránh khỏi. Năm 2016, sản lượng điện thương phẩm của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Trung Quốc (SGCC) là 3.601,1 tỷ kWh và TTĐN 6,75% (giảm 0,03% so với năm 2015).

Để giảm TTĐN, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra 2 giải pháp chính là giải pháp kỹ thuật và giải pháp quản lý. 

Giải pháp kỹ thuật được chia thành 2 phần. Đó là giải pháp kế hoạch: SGCC thực hiện luân chuyển và loại bỏ máy biến áp có tổn thất điện năng cao, giảm bán kính cấp điện, thay dây dẫn to hơn đồng thời tiến hành phân bổ hợp lý công suất phản kháng trong lưới điện. Phần thứ 2 là giải pháp vận hành: SGCC điều chỉnh điện áp, tăng hệ số công suất, hợp lý hóa điều độ phụ tải và vận hành MBA một cách kinh tế.

Đối với giải pháp quản lý, SGCC tăng cường quản lý tổn thất lưới điện, đẩy mạnh quản lý đo lường, vận hành hệ thống  điện kinh tế, đồng thời tăng cường quản lý nhu cầu phụ tải, chủ động quản lý hợp đồng mua bán điện, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng. 

Ông Bek Chee Jin - Giám đốc Dự án Hiệp hội Đồng quốc tế khu vực Đông Nam Á:

Cân bằng giữa đầu tư và mục tiêu 

Đối với Việt Nam, việc giảm TTĐN phụ thuộc vào việc đầu tư bao nhiêu cho mục tiêu này. Để so sánh TTĐN của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực là rất khó, ví dụ Singapore là nước nhỏ, mật độ dân cư lớn chính, vì thế phụ tải tập trung, nên kết quả TTĐN của Singapore không phải là một ví dụ tốt để Việt Nam học tập. Nếu so sánh TP.HCM với Singapore thì hợp lý hơn. Việt Nam cần xem xét các nước/thành phố, khu vực có điều kiện tương đồng về địa lý, dân cư để học hỏi kinh nghiệm. 

Thực tế, sự cân bằng giữa đầu tư và kết quả mục tiêu không chỉ là thách thức đối với Việt Nam mà cả các quốc gia khác trên thế giới, nghĩa là nếu muốn giảm tổn thất thì sẽ tốn nhiều chi phí. Ví dụ mua máy biến áp hiệu suất cao, đi cáp ngầm hay mua hệ thống thiết bị hiện đại để giám sát lưới điện sẽ tốn nhiều chi phí và cần ngân sách lớn để thực hiện mục tiêu này. 

GS.VS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam: 

Đầu tư lớn cho lưới điện phân phối

TTĐN là mối quan tâm chung của toàn xã hội, về mặt quản lý nhà nước, TTĐN liên quan đến chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

EVN có kế hoạch giảm liên tục TTĐN trong hệ thống điện và phấn đấu đến năm 2020 chỉ còn 6,5%. Đây là một mục tiêu nhiều thách thức, bởi phụ thuộc rất nhiều vào việc đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện, đặc biệt là lưới điện phân phối. Hiện nay, lưới điện truyền tải nước ta tương đối tốt, chính vì thế lộ trình giảm TTĐN từ nay đến năm 2020 cần phải tập trung vào lưới điện phân phối; bởi đây là khu vực có tỷ lệ TTĐN lớn nhất. Ở nhiều vùng miền, đặc biệt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, lưới điện trước khi EVN tiếp nhận từ các tổ chức bán điện nông thôn đã xuống cấp trầm trọng.

Ngoài ra, cần phân bố nguồn điện hợp lý để giảm truyền tải điện đi xa. Nếu thực hiện đúng tiến độ các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nguồn điện của nước ta sẽ được phân bố đồng đều và mục tiêu giảm TTĐN của EVN có thể đạt được. 
 


  • 17/08/2017 10:54
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 10148