Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), có ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV EVN tham dự hội nghị.
Vượt khó, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh
Sáu tháng đầu năm 2022, trong tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp; giá cả một số nguyên, nhiên vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban. Tuy nhiên, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty đã thích ứng linh hoạt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban yêu cầu các đơn vị thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao
|
Trong lĩnh vực năng lượng, các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động tham gia đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên thị trường, góp phần không để đứt gãy chuỗi cung ứng, bình ổn thị trường trước những biến động, thiếu hụt nguồn cung. Việc cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân được đảm bảo. Tổng doanh thu của 19/19 công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty ước đạt 543.429 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch năm và bằng 128% so với cùng kỳ; tổng lợi nhuận ước đạt 1.766 tỷ đồng, bằng 5% kế hoạch năm và bằng 4% so với cùng kỳ; tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 31.818 tỷ đồng, bằng 82% kế hoạch năm và bằng 108% so với cùng kỳ.
Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, cấp thiết. Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty có giá trị thực hiện đầu tư khá lớn như: EVN hợp nhất ước đạt 42.386 tỷ đồng, công ty mẹ ước đạt 11.080 tỷ đồng; VNPT hợp nhất ước đạt 3.212 tỷ đồng, công ty mẹ ước đạt 3.069 tỷ đồng. Chiến lược chuyển đổi số được nhiều tập đoàn, tổng công ty tích cực thực hiện, mang lại hiệu quả bước đầu khả quan, đổi mới phương thức điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.
Ủy ban cũng tiếp tục thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đến nay một số tập đoàn, tổng công ty đã trình Đề án lên Ủy ban, như: PVN, Vinachem, TKV, Vinataba, VNPT, Vinafood2, Vinafor, VRG, SCIC, EVN....
Nỗ lực bảo toàn, phát triển nguồn lực của Nhà nước
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Ủy ban, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty cần đẩy mạnh hơn nữa các mặt công tác để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN (hàng đầu, bên phải) tham dự hội nghị
|
Ủy ban sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tập đoàn, tổng công ty phục hồi và phát triển; đẩy mạnh giám sát tài chính, giám sát đầu tư, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm và kiện toàn đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp.
Các tập đoàn, tổng công ty cần nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức để hoàn thành mức cao nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư kịp thời để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư kinh doanh quan trọng; thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước bảo đảm đúng kế hoạch và công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đề nghị các đơn vị và các tập đoàn, tổng công ty nêu cao tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng và quyết tâm; tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan, địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần vào tiến trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội của cả nước.
Nguyễn Thủy
Share