Tiếp tục rà soát để đảm bảo vận hành an toàn hồ, đập thủy điện trước bão số 6

Đó là một trong những yêu cầu của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, tại cuộc họp nhanh theo hình thức trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về việc ứng phó với bão số 6, chiều ngày 23/9.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, hồi 13h ngày 23/9, vị trí tâm bão cách bờ biển Bình Định khoảng 180km, cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 260km, cách bờ biển Quảng Nam khoảng 330km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.  Dự báo trong 12 giờ tới, tâm bão ở ngay trên vùng biển Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Trong 12-24 giờ tiếp theo, bão đi vào đất tiền các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Từ tối và đêm nay ven biển và trên đất liền các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 8.

Từ ngày 23-25/9, các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-7m, hạ lưu từ 1-3,5m. Trong đợt lũ, mực nước đỉnh lũ thượng lưu các sông ở Hà Tĩnh, các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định lên mức báo động 1 và trên báo động 1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt cục bộ tại cácvùng trũng thấp, ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại cuộc họp

Cũng theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo, đối với các hồ thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ hiện nay, dung tích các hồ đạt khoảng 20-90% dung tích thiết kế. 

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao những nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước bão số 6. Tuy nhiên trong bối cách dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với đó mưa bão xảy ra nên các Bộ, ngành, địa phương không được phép chủ quan, phải nâng một bậc cảnh báo trong công tác phòng chống thiên tai.

Trong đó các địa phương phối hợp chặt chẽ với các chủ hồ chứa thủy điện, thủy lợi kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu xả lũ, đảm bảo an toàn hạ lưu;  bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Bộ Công Thương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện; xả lũ, an toàn hạ du; đảm bảo và sẵn sàng khôi phục kịp thời hệ thống điện khi có sự cố. Các hồ chứa thủy điện theo dõi chặt chẽ lượng lưu lượng đến các hồ chứa để chủ động vận hành điều tiết và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

 


  • 23/09/2021 06:30
  • Trần Hiếu
  • 8784