Nội dung này nêu tại thông báo ngày 17/4 của Văn phòng Chính phủ, về ý kiến Phó thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan tới phát triển năng lượng tái tạo.
Hiện, Việt Nam áp dụng giá một thành phần, tức tiền trả theo lượng dùng trong tháng. Cách tính này được đánh giá chưa phản ánh chính xác chi phí ngành điện bỏ ra (khấu hao tài sản, đường dây, trạm biến áp...) cho mỗi khách hàng.
Trong thông báo hôm nay, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cùng EVN, sớm triển khai giá hai thành phần, gồm tính theo sản lượng tiêu thụ và công suất đăng ký dùng trong tháng. Theo cơ chế này, khách hàng sẽ trả riêng cho mỗi 1 kW công suất họ đăng ký hàng tháng với nhà cung cấp. Khi không sử dụng hết, họ phải trả chi phí, thay vì ngành điện chịu và thu hồi qua điều chỉnh giá như hiện nay.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng việc thí điểm, áp dụng cơ chế tính giá mới sẽ khiến người dân dùng điện tiết kiệm, tăng hiệu quả đầu tư nguồn và lưới.
Thực tế, từ 2014 giá hai thành phần được đề cập tại Quyết định 28/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, nhưng đến giờ Bộ Công Thương mới giao EVN nghiên cứu thí điểm. Bởi, hạ tầng ngành điện, nhất là hệ thống công tơ đo đếm từ xa, tới giờ mới đáp ứng yêu cầu, theo giải thích của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương).
Trước mắt việc thí điểm này chỉ nghiên cứu cho khách hàng dùng điện sản xuất, kinh doanh - những hộ tiêu thụ lớn và đang áp giá theo thời gian dùng trong ngày. Hiện, EVN thuê tư vấn lập đề án cơ chế giá này và lộ trình áp dụng.
Công nhân Điện lực TP HCM sửa chữa trên đường dây, ngày 23/9/2019. Ảnh: Thành Nguyễn
|
Tại thông báo hôm nay, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Bộ Công Thương sớm có chính sách cho phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. "Trường hợp chậm trễ trong đưa ra cơ chế, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng", thông báo kết luận nêu.
Phó thủ tướng lưu ý, Nhà nước ưu tiên phát triển không giới hạn quy mô các nguồn năng lượng tái tạo nếu đáp ứng yêu cầu về công nghệ, giá phù hợp.
"Quy hoạch điện VIII là quy hoạch mở, trường hợp cần thiết có thể huy động nguồn năng lượng tái tạo thay thế", ông cho biết, thêm rằng việc này sẽ giúp bảo đảm không thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào.
Tại dự thảo Nghị định phát triển loại năng lượng này đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, loại hình này có thể đấu nối hoặc không với lưới điện quốc gia và không bán cho tổ chức, cá nhân khác. Quy mô phát triển đến 2030 khoảng 2.600 MW.
Trường hợp loại nguồn này không nối lưới sẽ được phát triển không giới hạn. Còn nếu đấu nối với lưới điện, người dân chọn phát điện dư thừa vào hệ thống sẽ được Nhà nước ghi nhận sản lượng nhưng không thanh toán. Tức là, người dân có thể bán điện dư thừa, nhưng giá 0 đồng.
Tới cuối 2022, công suất điện mặt trời mái nhà khoảng 9.000 MW, giá bán 8,38 cent một kWh theo Quyết định 13/2020. Đến hết tháng 7/2023, còn khoảng 1.000 hệ thống, công suất 400 MW nối với lưới chờ bổ sung vào quy hoạch. Số này vẫn đang vướng vì thiếu cơ chế thực hiện.
Link gốc
Theo vnexpress.net
Share