Phát triển điện mặt trời: Nhìn từ Nhật Bản

Từ chỗ chú trọng phát triển điện hạt nhân, điện khí và nhiệt điện than, sau thảm họa sóng thần và sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima năm 2011, Chính phủ Nhật Bản đã chuyển hướng sang phát triển năng lượng tái tạo.

Trước sự cố Fukushima, Nhật Bản chưa chú trọng phát triển năng lượng tái tạo. Tỉ lệ của năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện) chỉ tăng từ 3,5% vào năm 1990 lên 4,6% vào năm 2002. Đến năm 1999, Nhật Bản mới sử dụng năng lượng mặt trời để phát điện với công suất 209 MW. Giai đoạn này, Nhật Bản chú trọng phát triển điện hạt nhân, điện khí thiên nhiên và nhiệt điện than, giảm sử dụng dầu do giá dầu đắt đỏ.

Tuy nhiên, sau sự cố Fukushima, Nhật Bản buộc phải thay đổi chiến lược phát triển điện hạt nhân, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Để thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt là năng lượng mặt trời (NLMT), Chính phủ Nhật Bản cam kết giá mua điện ổn định trong 10 năm với giá 44 Yên/kWh (tương đương 44 cent/kWh), mức giá cao nhất thế giới tại thời điểm đó. Kết quả, công suất lắp đặt của NLMT tăng mạnh, từ 5.000 MW năm 2011 lên 25.000 MW năm 2014. Trong đó, hệ thống NLMT trên mái nhà phát triển rất nhanh (chiếm 82,7% tổng công suất điện mặt trời), còn các các dự án NLMT thương mại chỉ chiếm 17,3%. 

Trong khi các dự án điện mặt trời thương mại gặp một số khó khăn đặc thù, chính sách về phát triển năng lượng tái tạo đã thật sự kích thích các nhà đầu tư bỏ vốn vào hệ thống NLMT trên mái nhà. Hệ thống này khắc phục được những hạn chế của các dự án NLMT lớn như, giảm tiền thuê đất, không cần thiết phải kí hợp đồng tiêu thụ điện với các công ty điện lực địa phương…

Việc đẩy mạnh phát triển các hệ thống điện mặt trời lắp mái đã tạo điều kiện cung cấp điện cho từng hộ tiêu thụ. Mô hình này cũng từng bước làm thay đổi căn bản cấu trúc của lưới điện phân phối ở Nhật Bản theo hướng đảm bảo kết nối nguồn năng lượng nhỏ lẻ, mỗi hộ gia đình vừa là đơn vị tiêu thụ, vừa là đơn vị phát điện.

Còn với các dự án NLMT công suất lớn, mặc dù được kì vọng rất nhiều, nhưng lại không mấy thành công, do sự thay đổi chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ các nguồn năng lượng tái tạo; do khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng và chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất công nghiệp. Ngoài ra, các dự án năng lượng mặt trời công suất lớn cũng khó ký hợp đồng cung cấp điện với 4 công ty điện lực của Nhật Bản, do nguồn năng lượng này có tính bất ổn cao, khi hòa vào lưới điện sẽ làm giảm tính ổn định của hệ thống.

Dù còn gặp nhiều khó khăn, Nhật Bản cũng đã gặt hái được những thành công nhất định trong việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là NLMT. Mục tiêu của Nhật Bản đến năm 2030 là, NLMT sẽ chiếm 12% tổng công suất nguồn điện. 
 


  • 27/03/2018 10:56
  • Theo TCDL chuyên đề Thế giới điện
  • 30112