Ổn áp có phải lúc nào cũng cần?

Nhiều gia đình đã sử dụng ổn áp dùng riêng cho một số thiết bị điện vì lo lắng thiết bị điện bị cháy, hỏng trong khi hoạt động nếu nguồn điện không ổn định. Nhưng liệu có cần thiết không?

(Ảnh minh họa)

Với máy vi tính: Gây lãng phí điện

Trước kia, các loại ổn áp công suất nhỏ từ 500 VA – 1.000VA thường được lắp kèm cho máy vi tính do nguồn từ điện lưới quốc gia chưa ổn định. Tuy nhiên hiện nay, điện lưới quốc gia gần như đã ổn định tương đối ở mức 220V, nên việc dùng ổn áp cho máy tính là không cần thiết. Bởi lẽ, dòng điện qua các loại ổn áp có thể làm tiêu hao khoảng 10% công suất trở lên, tuỳ theo thiết bị sử dụng.

Ví dụ: Máy tính công suất tiêu thụ đầu nguồn là 350W, nếu lắp thêm ổn áp hoặc các loại tích điện UPS 500VA thì sẽ hao tổn thêm 10% – 15% công suất tiêu thụ điện năng.

Với tủ lạnh: Có cần thiết?

 Tủ lạnh thế hệ cũ trên 20 năm chưa được lắp đặt bộ mạch trễ, nên khi dùng với ổn áp có mạch trễ sẽ hạn chế được hiện tượng tủ lạnh bị cháy động cơ hoặc giảm độ bền khi nguồn điện không ổn định.

 Tuy nhiên, tủ lạnh thế hệ mới trong 10 năm trở lại đây đều được trang bị một bộ mạch trễ khi mất điện. Khi đó, tủ lạnh sẽ ngừng từ 3 – 5 phút mới đóng điện trở lại để bảo đảm khí gas quay trở về máy nén, tránh trường hợp khí gas chưa về hết, dễ gây kẹt máy nén và cháy động cơ. Do vậy, không nên sử dụng thêm ổn áp đối với những tủ lạnh đời mới, tránh hao tổn điện không cần thiết.

Đặc biệt, với các thiết bị điện phát ra nhiệt như: Bàn là, bếp điện... không đòi hỏi điện áp ổn định thì càng không cần sử dụng ổn áp.

Như vậy, việc sử dụng ổn áp chỉ có ý nghĩa tại các khu vực nguồn điện có điện áp quá thấp, không ổn định (khu vực vùng sâu, vùng xa, dây dẫn điện quá dài, không đủ tải, chất lượng điện thấp..).

 


  • 25/01/2013 01:59
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 38102


Gửi nhận xét