Người dân, doanh nghiệp đánh giá dịch vụ EVN cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia như thế nào?

Mức độ hài lòng, Tiến độ giải quyết, Dịch vụ công trực tuyến là 3 tiêu chí Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đứng đầu trong tổng số 5 tiêu chí đánh giá 21 bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công trực tuyến - Kết quả ghi nhận theo Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử, được công bố trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG).

Ngày 21/4, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp với đại diện các Bộ, ngành, cơ quan, về tái cấu trúc quy trình, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu tích hợp trên Cổng DVCQG và Cổng Dịch vụ công của Bộ.

Tại cuộc họp, ông Bùi Quốc Hoan – Phó Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã báo cáo về quá trình thực hiện các nhiệm vụ, và những kết quả tích cực mà EVN đã nỗ lực đạt được khi triển khai cung cấp các dịch vụ công tích hợp trên Cổng DVCQG và triển khai Đề án 06.

EVN triển khai sớm, hoàn thành sớm

Ông Bùi Quốc Hoan cho biết, tháng 12/2019, ngay khi Cổng DVCQG được khai trương, EVN vinh dự là một trong những bộ, ngành đầu tiên được Chính phủ cho phép triển khai cung cấp dịch vụ trên Cổng. Và chỉ 15 ngày sau khai trương cổng DVCQG, EVN đã hoàn thành tích hợp các dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 lên Cổng. Đến tháng 8/2020, ngay sau khi nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng DVCQG được hoàn thành, EVN cũng là đơn vị đầu tiên chuyển đổi dịch vụ thanh toán tiền điện đã được tích hợp trên Cổng sang Nền tảng thanh toán của Cổng theo đúng mô hình thiết kế.

Cũng theo Phó Trưởng ban Kinh doanh EVN, năm 2022, EVN đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025 (Đề án 06). Tập đoàn đã kết nối và tích hợp dịch vụ xác thực và chia sẻ thông tin công dân bằng số căn cước công dân thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Với nhiệm vụ này, EVN đã hoàn thành sớm 5 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

EVN được xếp hạng đứng đầu về chỉ số Tiến độ giải quyết, Dịch vụ công trực tuyến, Mức độ hài lòng. Nguồn dữ liệu: Cổng DVCQG

Đối với việc phát triển dịch vụ điện trực tuyến, số khách hàng của EVN tham gia giao dịch trực tuyến cấp độ 4 trong hai năm 2021- 2022 lên tới 24,5 triệu khách hàng, đạt tỷ lệ 99%. 

Trong suốt hành trình chuyển đổi số, với mục tiêu khách hàng là trung tâm, EVN đã không ngừng nỗ lực để triển khai sớm, hoàn thành sớm các nhiệm vụ được Chính phủ giao. Những nỗ lực đó đã thiết thực đưa tới các tiện ích cho người dân, doanh nghiệp trên cả nước, góp phần xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số.

Theo Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp cập nhật ngày 21/4/2022 trên Cổng DVCQG, kết quả ghi nhận về EVN rất khả quan. Trong đánh giá về 21 bộ, ngành cung cấp dịch vụ trực tuyến trên Cổng, EVN dẫn đầu về các tiêu chí: Mức độ hài lòng, Tiến độ giải quyết, Dịch vụ công trực tuyến; và xếp hạng thứ 2 về tiêu chí Công khai, minh bạch; xếp thứ 8 về tiêu chí Số hóa hồ sơ. Đánh giá tổng hợp, EVN xếp thứ 2/21 bộ, ngành, với tổng số 70,4 điểm/100 điểm.

Ông Bùi Quốc Hoan cho biết, không dừng lại với những kết quả đạt được, hiện nay, EVN vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiều mục tiêu trong kế hoạch chuyển đổi số, nghiên cứu để nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên môi trường số. Tại cuộc họp, EVN cũng đề xuất, kiến nghị một số nội dung, nhằm triển khai tốt hơn nữa việc cung cấp dịch vụ trên Cổng DVCQG.

Các đại biểu dự cuộc họp, ngày 21/4/2023. Nguồn ảnh: VPCP

Tích cực đưa các dịch vụ công, thủ tục hành chính lên môi trường điện tử

Tại cuộc họp, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (TTHC) cho biết, việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ (Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), đặc biệt là đưa các dịch vụ công, thủ tục hành chính lên môi trường điện tử là yêu cầu tất yếu khi đang đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đang tích cực thực hiện nhiệm vụ này để tích hợp dịch vụ công trực tuyến thiết yếu lên Cổng DVCQG và Cổng Dịch vụ công của các Bộ.

Thời gian qua, với sự tham gia của các Bộ, Cổng DVCQG đã tích hợp, cung cấp 4.405 dịch vụ công trực tuyến (đạt 68%), tăng 1.200 dịch vụ so với cùng kỳ năm 2022.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Cổng DVCQG đã có hơn 600 triệu lượt truy cập, hơn 4,3 triệu hồ sơ trực tuyến, 3,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến được thực hiện từ Cổng, tăng 526% so với cùng kỳ năm 2022, trung bình mỗi ngày tiếp nhận, xử lý khoảng 100 nghìn hồ sơ, giao dịch thanh toán trực tuyến.

Về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, bên cạnh một số bộ, ngành triển khai tương đối tốt như: Bộ Tài chính; Tập đoàn Điện lực Việt Nam… thì còn một số bộ, ngành chưa thực hiện hoặc thực hiện đạt kết quả thấp.

Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính Ngô Hải Phan đề nghị các đơn vị thuộc các Bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ, những dịch vụ công nào chưa kết nối đồng bộ lên Cổng thì đề nghị thực hiện đúng hạn. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, giảm thiểu việc người dân phải khai nhiều thông tin và phải mang nhiều giấy tờ để chứng minh thông tin cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.


  • 21/04/2023 09:44
  • Huyền Vũ
  • 4934