Dự án điện gió: Vì sao đăng ký nhiều, thực hiện ít?

Tại Việt Nam những năm qua, hàng trăm dự án điện gió đã được đăng kí, nhưng thực tế, số dự án được triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay! Hãy cùng Phóng viên Tạp chí Điện lực trao đổi với TS. Mai Duy Thiện - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam để tìm nguyên nhân.

TS. Mai Duy Thiện

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của điện gió tại Việt Nam thời gian qua?

TS. Mai Duy Thiện: Việt Nam có tiềm năng rất lớn về điện gió. Tuy nhiên, đến nay, điện gió vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Bởi từ trước tới nay, nước ta đã quen với nguồn năng lượng truyền thống. Phải đến Quy hoạch điện VII trở đi, Việt Nam mới đề cập nhiều đến năng lượng tái tạo (NLTT), trong đó có điện gió. Vì là nguồn năng lượng mới, nên cơ chế, chính sách… về điện gió vẫn còn chưa hoàn thiện, gây vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư.

Ví dụ, Việt Nam chưa có cơ chế ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các dự án điện gió; thủ tục triển khai các dự án vẫn còn nhiều vấn đề, phải qua rất nhiều cấp như: Địa phương cấp đất, duyệt dự án; Bộ Công Thương duyệt quy hoạch; thủ tục đấu nối do EVN thực hiện...

Tiềm năng gió của Việt Nam là rất lớn, nhưng chỉ có thể phát triển tại các địa phương từ Quảng Bình trở vào phía Nam, còn ở phía Bắc, thường xuyên có bão, độ ổn định của gió thấp.

PV: Có ý kiến cho rằng, thời gian qua chưa nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực điện gió là do giá điện gió chưa hấp dẫn. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS. Mai Duy Thiện: Đúng vậy! Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg vào ngày 10/9/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, giá điện gió ở Việt Nam chỉ ở mức 7,8 cent/kWh, quá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi vốn đầu tư các dự án điện gió rất lớn, khoảng 2-2,5 triệu USD/MW, do hầu hết các thiết bị, công nghệ đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Giá bán thấp, vốn đầu tư lớn, dẫn đến lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nhà đầu tư khó thu xếp vốn vay ngân hàng.

Tuy nhiên, với mức giá điện gió vừa được tăng lên theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg (giá điện gió các dự án trên đất liền 8,5 Uscents/kWh, dự án điện gió trên biển lên 9,8 Uscents/kWh), chắc chắn lĩnh vực điện gió sẽ thu hút được nhiều các nhà đầu tư hơn trong thời gian tới.

PV: Trong số những nhà đầu tư đã đăng kí đầu tư vào điện gió, thì hiện số dự án đã triển khai vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

TS. Mai Duy Thiện: Trước tiên phải kể đến năng lực của nhà đầu tư. Điện gió là một lĩnh vực mới ở Việt Nam, có hàm lượng khoa học công nghệ rất cao. Nhiều nhà đầu tư có nguồn lực tài chính nhưng lại chưa đủ trình độ về công nghệ triển khai và quản lý dự án. Ngược lại, nhiều nhà đầu tư đủ năng lực về công nghệ, lại không huy động được nguồn tài chính. Có nhà đầu tư đủ năng lực, nhưng giá điện gió trước đây quá thấp, nên đang “nghe ngóng”, chờ khi giá điện gió phù hợp sẽ triển khai dự án...

Ngoài ra, cũng có một số nhà đầu tư ảo, thấy Nhà nước có chủ trương phát triển điện gió, nhiều ưu đãi về thuế đất, thì đăng kí dự án, nhưng không đủ năng lực triển khai; chờ khi giá điện gió tăng sẽ chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác…

PV: Theo ông, cần phải làm gì để “loại” những nhà đầu tư ảo, năng lực kém khi phê duyệt các dự án điện gió?

TS. Mai Duy Thiện: Tôi cho rằng, Nhà nước, chính quyền các địa phương cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng hơn năng lực của các nhà đầu tư khi phê duyệt dự án, tránh đầu tư vào điện gió trở thành phong trào ảo, tính thực tiễn không cao. Đồng thời, tránh hiện tượng các nhà đầu tư kém năng lực chiếm dự án, còn các nhà đầu tư có năng lực lại mất cơ hội... Ví dụ, khi nhà đầu tư nước ngoài vào khảo sát, đến đâu cũng thấy đã có dự án, nhưng đều là dự án treo.

Ngoài ra, rất cần rà soát lại một cách tổng thể các dự án đầu tư, từ cấp địa phương cho đến cấp Trung ương, nhà đầu tư nào thực sự có khả năng thì tiếp tục cho đầu tư; kiên quyết thu hồi dự án của những nhà đầu tư ảo, không có năng lực.

PV: Ở góc độ điều hành hệ thống điện, nhiều người cho rằng, NLTT nói chung, điện gió nói riêng, độ ổn định không cao sẽ ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện. Ý kiến của ông về vấn đề này?

TS. Mai Duy Thiện: Với thực tế nguồn điện của nước ta hiện nay, nếu NLTT tham gia quá sâu, rất dễ dẫn đến việc mất an ninh năng lượng. Do vậy, cần phải có lộ trình cụ thể, từng bước, nghiên cứu đưa tỉ lệ NLTT phù hợp vào lưới điện ở từng giai đoạn cụ thể.

Bên cạnh đó, EVN nói riêng, ngành Điện Việt Nam nói chung cần phải nâng cao năng lực dự phòng, đảm bảo bù đắp nhanh, kịp thời khi sản lượng điện từ NLTT sụt giảm.

Về lâu dài, khi NLTT tham gia sâu hơn vào hệ thống điện, cần phải nâng cao năng lực của hệ thống điều độ; đầu tư công nghệ, kiểm soát, tính toán được nguồn NLTT trên lưới trong từng thời điểm, từng khu vực, để có giải pháp vận hành hệ thống điện ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng… Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đã nghiên cứu sâu về điều khiển mạng lưới điện thông minh khi NLTT chiếm tỉ trọng lớn trong hệ thống điện. Việt Nam có thể tham khảo, phối hợp với các chuyên gia nước ngoài để tiếp cận công nghệ này.

PV: Từ thực tế của Việt Nam, ông có khuyến nghị gì góp phần thúc đẩy điện gió phát triển trong thời gian tới?

TS. Mai Duy Thiện: Yếu tố quan trọng nhất là giá điện gió, đã được Thủ tướng Chính phủ chỉnh sửa, thay với mức giá mới hợp lý hơn, hấp dẫn các nhà đầu tư hơn. Tuy nhiên, để thúc đẩy điện gió phát triển, ngoài giá điện, Nhà nước cần cơ chế ưu đãi về vốn, lãi suất, thủ tục hành chính... tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Cùng với đó khi phê duyệt quy hoạch, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và ngành Điện. Bởi nếu địa phương cấp phép ồ ạt, không phù hợp với quy hoạch của lưới điện truyền tải, chắc chắn dự án đó sẽ gặp khó khăn khi phát lên lưới điện...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


  • 14/10/2018 04:08
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 45145