Điện về, Đồng Tháp Mười bừng sáng

Điện khí hóa nông thôn đã góp phần thay đổi bộ mặt vùng Đồng Tháp Mười lau sậy khi xưa, trở thành một trong những vùng nông nghiệp mang lại giá trị xuất khẩu cao.

Đồng Tháp Mười là một vùng đất ngập nước của ĐBSCL, có diện tích 697.000 ha, trải rộng trên 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp.

Hệ thống trạm bơm điện rộng khắp

Về Đồng Tháp Mười hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay ngoạn mục của vùng bưng biền này. Đồng Tháp Mười đã bừng sáng nhờ những công trình điện khí hóa nông thôn. Khi dòng điện phủ kín vùng này, đời sống người dân đã có những chuyển biến tích cực. Các cánh đồng hoang khi xưa nay trở thành vựa lúa chính của ĐBSCL. Nhiều nhà máy đi vào hoạt động không chỉ giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Nhờ có điện, các lò sấy lúa ở H.Tháp Mười (Đồng Tháp) hoạt động hết công suất

Nhắc đến điện khí hóa Đồng Tháp Mười, không thể không nhắc đến hệ thống trạm bơm điện được đặt khắp các cánh đồng ngút ngàn. Cả vùng Đồng Tháp Mười có hàng ngàn trạm bơm điện lớn nhỏ phục vụ tưới tiêu và điều tiết nước cho mùa vụ. Các trạm bơm điện đã giúp người dân giảm được rất nhiều chi phí sản xuất so với bơm bằng máy dầu. Bà con chủ động hơn trong việc đưa nước vào ruộng khi nắng hạn và rút nước ra khi mưa lũ cũng như rửa chua đồng ruộng. Hệ thống trạm bơm này cũng giúp giải tỏa những trăn trở của các nhà khoa học trong công cuộc cải tạo đồng hoang. Nhờ đó, thay vì chỉ sản xuất 1 - 2 vụ/năm như trước, đến nay người dân đã nâng lên 3 vụ/năm, đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện đại hóa sản xuất

Nhờ nguồn điện ổn định, nhiều doanh nghiệp và cả các hộ dân cũng mạnh dạn đầu tư xây dựng những nhà máy xay xát có công suất lớn. Nhà máy xay xát Hậu Thạnh (Long An) hiện có công suất 6 tấn/giờ đang sử dụng dòng điện 3 pha hoạt động liên tục mỗi ngày. Nhà máy được đầu tư nhiều loại máy móc hiện đại như máy tách màu, máy đánh bóng gạo… giúp nâng cao năng suất và chất lượng hạt gạo.

Chị Nguyễn Thị Diễm, chủ một cơ sở sấy lúa ở Đồng Tháp Mười, cho biết những lò sấy lớn của cơ sở chị đang hoạt động hết công suất nhờ trạm điện 3 pha. Ngoài ra còn vận hành được hệ thống hút lúa tươi từ ghe thuyền vào lò sấy và bơm lúa khô sau khi sấy từ lò trở lại ghe thuyền. Hiện cơ sở chị đang tạo việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương. “Nguồn điện ổn định là một trong những yếu tố quyết định đến thành công của nghề sấy lúa. Tôi nghĩ vùng Đồng Tháp Mười hôm nay đã hội đủ những điều kiện để mọi người đến đây lập nghiệp”, chị Diễm chia sẻ.

Với sự tiếp sức của nguồn điện, tại Công ty CP May xuất khẩu Long An, mọi công đoạn đều được thực hiện nhanh chóng, chính xác và hiện đại. Xuất phát là một phân xưởng nhỏ từ năm 1989, đến nay công ty đã có 5 phân xưởng lớn may gia công xuất đi các nước như Mỹ, Nhật, Philippines…, góp phần đưa sản phẩm may mặc của Việt Nam vươn ra thế giới. Chị Lê Thị Kim Xuân, công nhân Công ty CP May xuất khẩu Long An, cho biết: “Tôi làm việc ở công ty từ năm 1993 nên chứng kiến khá rõ sự thay đổi của nơi này từ khi điện lưới quốc gia phủ khắp tỉnh. Chiếc máy phát điện nội bộ từng trợ giúp nhà máy mỗi khi cúp điện hoặc dòng điện chập chờn nay đã không còn sử dụng”.

Để kéo điện đến tận các đường làng nhỏ hẹp, những cánh đồng xa nhất ở Đồng Tháp Mười, công nhân ngành Điện chỉ có thể dựa vào sức người. Thế nhưng, khi được nhìn thấy ánh điện bừng sáng trên miền quê này, mang đến niềm vui cho bà con, thì các công nhân ngành Điện lại tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa. Không ai có thể ngờ rằng vùng Đồng Tháp Mười với những cánh đồng chỉ toàn lau sậy nay đã vươn mình trở thành một trong những vùng nông nghiệp mang lại giá trị xuất khẩu cao. Điện lưới quốc gia đã thắp sáng không chỉ đời sống của người dân mà còn mang lại niềm tin về một tương lai bền vững.


  • 17/10/2017 02:27
  • Theo Báo Thanh niên
  • 6427