Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý kỹ thuật lưới điện truyền tải

Đó là yêu cầu của ông Phạm Lê Phú – Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tại Hội nghị Kỹ thuật năm 2022 của EVNNPT. Hội nghị diễn ra ngày 28/7, tại TP. Cần Thơ.

Trong những năm qua, lưới điện truyền tải đã được đầu tư mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng cao của phụ tải, với tốc độ tăng trưởng về sản lượng truyền tải bình quân khoảng 8,3%/năm. Lưới điện truyền tải 500kV khu vực miền Bắc, miền Nam đã hình thành các mạch vòng liên kết và nâng cao độ an toàn, tin cậy truyền tải điện, cung cấp điện, đặc biệt là cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội,... Lưới điện 220kV các miền cũng liên tục được phát triển và củng cố. 

Ông Phạm Lê Phú - Tổng giám đốc EVNNPT phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Chiến Thắng

Kể từ năm 2021 trở lại đây, theo báo cáo của EVNNPT, sản lượng điện truyền tải có sự phục hồi. Trong đó, năm 2021 đạt 200,8 tỷ kWh, tăng 2% so với năm 2020; 6 tháng đầu năm 2022 đạt 104,7 tỷ kWh, tăng 2% so với cùng kỳ 2021.

Số sự cố lưới điện truyền tải năm 2021 đã giảm 58 vụ so với năm 2020, 6 tháng đầu năm 2022 giảm 1 vụ sự cố so với cùng kỳ. EVNNPT đã tiến hành chuyển 110/142 TBA 220kV sang chế độ thao tác xa.

Ứng dụng KHCN và chuyển đổi số vào các hoạt động, EVNNPT đã và đang triển khai áp dụng nhiều ứng dụng như: Phần mềm quản lý trạm biến áp, đường dây; phần mềm quản lý thí nghiệm; ứng dụng trạm biến áp số; ứng dụng thiết bị bay UAV/Flycam, camera/camera AI, thiết bị giám sát dầu online, thiết bị lọc dầu online, trang bị định vị sự cố.

Theo Tổng giám đốc EVNNPT – ông Phạm Lê Phú, công tác vận hành lưới điện truyền tải năm 2022 và các năm tiếp theo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, các công ty truyền tải điện cần nghiêm túc triển khai lập và thực hiện có hiệu quả phương án ngăn ngừa sự cố, giảm tổn thất điện năng; triển khai áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý vận hành đường dây, TBA; chủ động nghiên cứu các giải pháp kiểm tra, giám sát để đảm bảo vận hành; chủ động tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân lực kỹ thuật; triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số đã giao; hoàn thiện các đề tài nghiên cứu để nâng cao chất lượng công tác quản lý vận hành, nâng cao năng suất lao động.

EVNNPT ứng dụng thiết bị bay UAV trong kiểm tra lưới điện truyền tải. Ảnh: Chiến Thắng

Tổng giám đốc EVNNPT cũng yêu cầu các ban quản lý dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình đầu tư xây dựng; Công ty Dịch vụ kỹ thuật Truyền tải điện đảm bảo khối lượng và chất lượng công tác thí nghiệm thiết bị theo đúng quy định hiện hành; chủ động, đẩy nhanh triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học để áp dụng trong công tác thí nghiệm, sửa chữa nhằm nâng cao chất lượng và năng suất.

Tính đến tháng 6/2022, EVNNPT vận hành hơn 28.600 km đường dây truyền tải (trong đó đường dây 500kV có tổng chiều dài 10.053 km , đường dây 220kV có tổng chiều dài 18.560 km) và 176 trạm biến áp (gồm 34 trạm 500kV và 142 trạm 220kV).


  • 28/07/2022 05:00
  • Xuân Tiến
  • 6564