Đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải trong mùa nắng nóng

Đó là khẳng định của ông Tạ Việt Hùng - Trưởng ban Kỹ thuật Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - EVNNPT khi trao đổi với PV Tạp chí Điện lực.

Ông Tạ Việt Hùng

PV: Hiện nay, miền Nam đang phải tiếp nhận khoảng 20% công suất điện từ miền Bắc và miền Trung. EVNNPT đã có những giải pháp nào để đảm bảo điện cho miền Nam?

Ông Tạ Việt Hùng: Việc truyền tải sản lượng cao từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam là nhằm đảm bảo nhu cầu phụ tải cho các tỉnh phía Nam mà EVNNPT đã và sẽ tiếp tục thực hiện trong những năm tới. Để vận hành an toàn, liên tục và tin cậy hệ thống truyền tải 500 kV Bắc - Nam cũng như kết nối công suất các nhà máy điện khu vực miền Nam, EVNNPT đang khẩn trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới cũng như cải tạo, nâng công suất, tăng cường năng lực truyền tải.

Cùng với đó, EVNNPT chỉ đạo các công ty truyền tải điện tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý vận hành, đặc biệt đối với lưới điện 500 kV cấp điện cho miền Nam và các đường dây đấu nối với các nhà máy điện, truyền tải an toàn, ổn định, tin cậy từ các nhà máy điện đến các phụ tải. Đồng thời, lập và tổ chức thực hiện phương án đảm bảo cấp điện mùa khô, nhất là trong những tháng cao điểm nắng nóng khu vực miền Nam (bắt đầu từ tháng 3 hàng năm)

PV: Song song với quản lý vận hành, EVNNPT phải triển khai đồng bộ nhiều dự án xây dựng đường dây và TBA. Đây có phải là áp lực đối với EVNNPT?

Ông Tạ Việt Hùng: Nhiệm vụ của EVNNPT là đảm bảo truyền tải hết công suất, cung cấp điện không chỉ cho miền Nam mà cho cả nước, trong đó có khu vực các tỉnh phía Nam. EVNNPT có giải pháp sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án, kiểm soát tiến độ đối với các dự án trọng điểm phục vụ cấp điện cho tất cả các miền.

Đối với các tỉnh phía Nam là các dự án ĐD 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây, Vĩnh Tân rẽ Sông Mây - Uyên Hưng và TBA 500 kV Uyên Hưng, ĐD 220 kV Bình Long - Tây Ninh, TBA 220 kV Cần Thơ và NCS cũng như lắp máy biến áp thứ 2 các TBA 220 kV Đức Hòa, Uyên Hưng, Nhơn Trạch… Khó khăn chủ yếu đối với các dự án EVNNPT đang triển khai là vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng.

PV: Có ý kiến cho rằng, mặc dù EVNNPT đã rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án truyền tải điện, nhưng lưới điện truyền tải vẫn chưa đáp ứng được các dự án nguồn điện, đặc biệt cụm công trình giải tỏa công suất Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân? Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Tạ Việt Hùng: Cho đến nay, EVNNPT vẫn đảm bảo truyền tải công suất từ các dự án nguồn điện, các dự án lưới điện đồng bộ nguồn luôn được đảm bảo và một số dự án thi công lưới điện còn vượt trước tiến độ của nguồn điện như, lưới điện đồng bộ các NMĐ Long Phú, Sông Hậu. Tuy nhiên, các công trình lưới điện liên quan truyền tải công suất của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân chậm so với tiến độ kế hoạch do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là vướng mắc trong khâu bồi thường giải phóng mặt bằng.

EVNNPT đang tích cực phối hợp với các bên liên quan, tìm biện pháp truyền tải công suất của các nhà máy nhiệt điện trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, đảm bảo các tổ máy không phải hạn chế công suất phát vì lưới điện truyền tải.

PV: Để hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố khi phải truyền tải công suất cao trên lưới điện 500 kV từ Bắc - Nam, EVNNPT đã có giải pháp nào, thưa ông?

Ông Tạ Việt Hùng: EVNNPT đã triển khai và chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ từ đầu tư cải tạo lưới điện, nâng cao khả năng truyền tải, ổn định thông số vận hành đến các giải pháp quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành. Bên cạnh đó, EVNNPT rất chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt đội ngũ quản lý kỹ thuật và trực tiếp vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, thí nghiệm thiết bị lưới điện.

PV: Có một thực tế là, cứ vào mùa nắng nóng, việc đốt rừng làm nương rẫy luôn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, ảnh hưởng đến hệ thống đường dây truyền tải điện cao áp chạy qua. Vậy EVNNPT đã có những giải pháp gì?

Ông Tạ Việt Hùng: EVNNPT đã chỉ đạo các công ty truyền tải điện kiểm tra rà soát hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Các khu vực hành lang có độ ẩm thấp, nắng nóng, những nơi đường dây đi qua rừng được kiểm tra, phát quang làm sạch các bụi cây, thực bì, cây lau, lá cây khô, loại trừ vật cháy, chặt tỉa cây không đảm bảo khoảng cách an toàn đến dây dẫn, loại trừ hiện tượng phóng điện từ đường dây xuống cây gây chập cháy.

Các đơn vị quản lý vận hành đường dây phải tăng cường phối hợp với kiểm lâm, các địa phương và các ban quản lý rừng… phát quang các bụi cây, tạo các vành đai chống cháy lan từ ngoài vào trong hành lang tuyến. Tại các khu vực có nguy cơ cháy cao nằm trong hành lang an toàn đường dây như, các nông trường mía khu vực Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông , công nhân các đội TTĐ còn tổ chức giúp dân thu hoạch mía, dọn lá mía,...ngăn nguy cơ cháy trong hành lang đường dây.

PV: EVNNPT có khuyến cáo gì với người dân trong việc đảm bảo an toàn, giảm sự cố trên hệ thống truyền tải điện quốc gia?

Ông Tạ Việt Hùng: EVNNPT đã đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân và chính quyền các địa phương về tầm quan trọng của hệ thống truyền tải điện quốc gia, nêu rõ các hành vi vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp. Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau như, trên đài truyền hình - phát thanh, các phương tiện thông tin địa phương, trên các xe lưu động…

EVNNPT khuyến cáo người dân không thả diều, bắn pháo bay có  dây kim tuyến, vật bay gần đường dây điện cao áp. Khu vực gần hành lang đường dây cần chằng buộc cẩn thận các mái nhà lợp  tôn, bạt che… tránh các vật liệu lợp nhà bay lên đường dây khi có gió lốc, gió mạnh. Các công trình, phương tiện thi công gần đường dây phải đảm bảo khoảng cách an toàn tới đường dây, tránh gây sự cố, làm hư hỏng đường dây.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 31/05/2018 03:04
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 14271