Chuyển đổi số để các dịch vụ điện lực trở thành hành trình trải nghiệm của khách hàng

Đó là chia sẻ của ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại phiên thảo luận buổi sáng của Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III với chủ đề Chuyển đổi số - Động lực phục hồi và phát triển kinh tế, ngày 11/12.

Tham dự phiên thảo luận, có ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Lê Quang Quy – Chủ tịch Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, cùng lãnh đạo các bộ, ngành và các doanh nghiệp.

Đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số

Tham luận với chủ đề Công nghệ số trong quản lý và phát triển lĩnh vực năng lượng, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, năm 2020, khi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu tập đoàn rút ngắn thời gian chuyển đổi số từ 5 năm xuống còn 2 năm. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, thời gian qua, EVN đã triển khai chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực hoạt động, với mục tiêu đến năm 2022 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về chuyển đổi số tại diễn đàn 

Hiện nay EVN đang cung cấp điện cho 29,5 triệu khách hàng, trong đó có 50% khách hàng được lắp đặt công tơ điện tử thu thập số liệu từ xa. Từ năm 2012, EVN đã sử dụng hóa đơn điện tử và hiên nay, mỗi năm tập đoàn đã phát hành gần 400 triệu hóa đơn điện tử.

 

Những con số ấn tượng về sự phát triển của ngành Điện Việt Nam trong khu vực ASEAN:

- Đứng thứ nhất về đường dây truyền tải và công suất đặt

- Top 2 về sản lượng thương phẩm

- Top 4 về tổn thất điện năng và chỉ số tiếp cận điện năng;

- Top 5 về độ tin cậy cung cấp điện và năng suất lao động.

Bên cạnh đó, EVN cũng đã cung cấp dịch vụ điện tương đương với dịch vụ công cấp độ 4. Đặc biệt, năm 2019, khi Cổng dịch vụ Công quốc gia đi vào hoạt động, EVN cũng đã cung cấp 12 dịch vụ điện trên cổng. Tính đến cuối tháng 11/2021, 55% giao dịch của người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ Công quốc gia là các dịch vụ của ngành Điện

Để tạo tuận lợi cho khách hàng, EVN đã kết nối với 14 ngân hàng và hơn 40 tổ chức trung gian, giúp khách hàng trên mọi miền đất nước, từ Cà Mau đến Hà Giang có thể thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi. EVN cũng đã ứng dụng công nghệ AI trong công tác chăm sóc khách hàng- Chatbot.

Dự kiến, từ ngày 1/1 2022, EVN sẽ kết nối các dịch vụ điện với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thực hiện kết nối hóa đơn điện tử với Tổng cục Thuế.

"Khi đó, khách hàng chỉ cần gửi một yêu cầu đến ngành Điện, nhân viên điện lực sẽ kết nối đến cơ sở dữ liệu quốc gia, sử dụng toàn bộ thông tin của khách hàng để thực hiện hợp đồng mua bán điện và ký bằng chữ ký số CA hoặc mã OTP. Việc thanh toán cũng sẽ được thực hiện online. Mỗi năm, toàn EVN có khoảng 1 triệu hợp đồng mua bán điện, một hợp đồng có khoảng 10 tờ giấy, như vậy EVN có thể tiết kiệm được 10 triệu tờ giấy/năm", ông Võ  Quang Lâm cho hay.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm tham luận về chủ đề "Công nghệ số trong quản lý và phát triển lĩnh vực năng lượng"

EVN đặt mục tiêu là đưa việc cung cấp các dịch vụ điện lực thành hành trình trải nghiệm của khách hàng. Trong nội bộ EVN, cũng sẽ xây dựng hệ sinh thái trải nghiệm cho CBCNV, để công tác chuyển đổi số được thực hiện nhanh hơn, có thể chia sẻ, kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị khác trong một nền kinh tế chia sẻ, ông Võ Quang Lâm cho hay.

Chuyển đổi số toàn diện trên mọi lĩnh vực

Song song với công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVN cũng đã ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để giám sát và điều khiển hệ thống nguồn và lưới điện có nguy mô hàng đầu ASEAN. Đến nay, tổng số nhà máy điện và trạm biến áp có tín hiệu SCADA/EMS đạt 95,27%; trong đó 478/515 nhà máy điện kết nối tự động với các trung tâm điều độ; 94,3% trạm biến áp 110kV và 75% trạm biến áp 220kV đã được điều khiển xa, không người trực.

Các đại biểu tọa đàm, trao đổi tại diễn đàn về những khó khăn, thách thức và giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số tại các doanh nghiệp

Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của nguồn năng lượng tái tạo trong những năm gần đây (hiện Việt Nam lọt top 10 thế giới về công suất năng lượng tái tạo) EVN cũng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới để quản lý, vận hành nguồn năng lượng này. Để điều khiển các nhà máy điện năng lượng tái tạo, EVN đã xây dựng công cụ AGC (Automatic Generation Control) để tự động hóa quá trình ra lệnh điều khiển công suất phát của các nhà máy điện năng lượng tái tạo trong khu vực bị giới hạn về khả năng giải tỏa công suất. Với các công trình điện mặt trời mái nhà, tập đoàn cũng đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain để các chủ đầu tư có thể thực hiện mua bán điện trực tiếp với nhau, không thông qua EVN; ứng dụng công nghệ AI để phân tích độ ổn định và công suất phát của các nguồn năng lượng tái tạo.

Trong công tác đầu tư xây dựng, EVN đã ứng dụng nhật ký công trình điện tử và áp dụng chữ ký số trong công tác quản lý dự án; áp dụng công nghệ AI trong phân tích hình ảnh để nhận diện hình ảnh trong các bước thi công; số hóa công tác quản lý mua sắm thiết bị cho dự án; triển khai hệ thống giám sát bằng camera đối với nhân lực trên công trường và trang  thiết bị  của nhà thầu ra, vào tại công trường… Đặc biệt, EVN cũng là đơn vị đi đầu cả nước trong công tác đấu thầu qua mạng.

Trong lĩnh vực quản trị, 100% văn bản đi/đến trong EVN đã được quản lý trên hệ thống Digital Office và đã kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; xây dựng app di động trên nền tảng polycom đảm bảo cung cấp các chức năng phục vụ các cuộc họp từ xa, tích hợp với các phòng họp hội nghị truyền hình tại EVN và các đơn vị; xây dựng và đưa vào vận hành cổng thông tin EVNPortal phục vụ việc quản lý các báo cáo số liệu, trao đổi thông tin.

Với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng số, triển khai công nghệ số, nền tảng số, đồng thời hoàn thiện ứng dụng số, nâng cấp độ an toàn thông tin, đáp ứng toàn diện cho công cuộc chuyển đổi số, EVN cũng đang triển khai thiết lập hệ thống EVN’s Cloud theo mô hình Private Cloud. Dự kiến trong năm 2022 sẽ bắt đầu cung cấp các dịch vụ laaS.

Song song đó, EVN cũng xây dựng cơ chế cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ và kết nối dữ liệu; đẩy mạnh hoạt động của cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam để các doanh nghiệp cùng khai thác.

Tại diễn đàn, các diễn giả cũng đã chia sẻ, trao đổi sôi nổi về những khó khăn, thách thức, các giải pháp trong chuyển đổi số để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển.

Phiên chính thức của Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghiệp số Việt Nam lần thứ III diễn ra vào chiều 11/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

 


  • 11/12/2021 02:55
  • Nguyễn Thủy
  • 10121