Chống trộm cắp điện là giải pháp giảm tổn thất điện năng có chi phí thấp nhất

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam, một trong những đơn vị có nhiều nỗ lực phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng trộm cắp điện, góp phần giảm tổn thất điện năng (TTĐN).

Ông Nguyễn Minh Tuấn

PV: Xin ông cho biết thực trạng trộm cắp điện diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong năm 2016? 

Ông Nguyễn Minh Tuấn: Năm 2016, Công ty Điện lực Quảng Nam đã phát hiện, xử lý 957 vụ vi phạm sử dụng điện, với tổng số tiền truy thu trên 1,1 tỷ đồng, trong đó có 198 vụ trộm cắp điện với số tiền truy thu là 544 triệu đồng.

Mặc dù số vụ trộm cắp điện ở Quảng Nam phát hiện và xử lý năm 2016 nhiều, nhưng quy mô nhỏ, các đối tượng trộm cắp chủ yếu là khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, chiếu sáng công cộng; khu vực nông thôn, miền núi; các khu vực mới được tiếp nhận từ lưới điện nông thôn của các HTX nông nghiệp… Số vụ loại này chiếm 70,2% tổng số vụ vi phạm và hơn 60,7% sản lượng điện truy thu.

PV: Những thủ đoạn mà kẻ gian thường hay sử dụng là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Tuấn: Hiện nay, hơn 98% số hộ dân Quảng Nam đã có điện. Tuy nhiên, hầu hết lưới điện hạ áp do Công ty quản lý mới được tiếp nhận từ các HTX điện nông thôn, có một số khu vực lưới điện hạ thế xuống cấp chưa được đầu tư cải tạo, hơn nữa ý thức và sự hiểu biết của các khách hàng về Luật Điện lực chưa cao… Do đó, các vụ trộm cắp điện do Công ty phát hiện, xử lý thường đơn giản là đấu nối phụ tải trước công tơ phục vụ sinh hoạt là chủ yếu. Loại này chiếm trên 91% số vụ trộm cắp điện trên địa bàn.

Các hình thức trộm cắp điện tinh vi hoặc bằng công nghệ cao, khó kiểm tra, phát hiện như phá niêm chì, can thiệp vào bên trong công tơ, đảo sơ đồ lấy nguội ngoài, nhốt chỉ số… chỉ chiếm 5,5%. Đây là hình thức ăn cắp điện tinh vi hơn và chủ yếu là khách hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Các đối tượng này thường hay chống đối, gây khó khăn trong kiểm tra, đấu tranh, xử lý. 

Điển hình, Công ty đã phát hiện và xử lý 1 trường hợp dùng điện sản xuất hàng cơ khí, đã đấu tắt 1 pha của công tơ 3 pha vào lưới điện, sử dụng điện không qua đo đếm. Công ty phát hiện, truy thu sản lượng 16.132 kWh với số tiền là 48,5 triệu đồng. Đồng thời, Công ty đã phối hợp với Sở Công Thương chuyển hồ sơ sang trình UBND tỉnh Quảng Nam xử phạt hành chính 37,5 triệu đồng.

PV: Để xử lý tình trạng trộm cắp điện, ngành Điện cần phối hợp với nhiều cơ quan chức năng tại địa phương. Vậy cơ chế phối hợp ở đây như thế nào thưa ông? 

Ông Nguyễn Minh Tuấn: Công ty Điện lực Quảng Nam đã ký các quy chế phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố và Sở Công Thương nhằm tạo sự thống nhất, phối hợp đồng bộ như: Đầu tư lưới điện, quản lý kinh doanh, phục vụ điện liên quan đến hoạt động điện lực trên địa bàn huyện, trong đó có nội dung phối hợp kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm sử dụng điện. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty trong việc phối hợp với chính quyền các cấp xử lý và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vụ vi phạm trên địa bàn. 

Tất cả những vụ vi phạm đều được Công ty thực hiện nghiêm túc theo luật định. Cụ thể, sau khi hoàn tất việc truy thu sản lượng điện theo quy định, các hồ sơ vi phạm sử dụng điện đều được Công ty chuyển giao cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở địa phương điều tra, xác minh và xử phạt theo luật định.

PV: Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng trộm cắp điện, PC Quảng Nam đã có những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Tuấn: Đầu tiên, Công ty chú trọng công tác truyên truyền về hành vi trộm cắp điện chính là hành vi vi phạm pháp luật với mục đích phòng ngừa là chính. Công ty cũng ưu tiên đầu tư lắp đặt công tơ điện tử; tăng cường quản lý, kiểm tra tình hình sử dụng điện của khách hàng. Đội ngũ kiểm tra viên ở các Điện lực được bố trí đủ số lượng, có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết với công việc và thường xuyên được đào tạo, trao đổi nghiệp vụ về kiểm tra sử dụng điện.

Công ty mạnh dạn giao chỉ tiêu thi đua về “số vụ trộm cắp điện” cho các Điện lực và đưa vào Quy chế thi đua hàng tháng/quý/năm, khen thưởng động viên kịp thời. Những người có công phát hiện được nhiều vụ trộm cắp điện trong những năm qua phải kể đến đội ngũ CBCNV làm công tác ghi chữ, thay thế định kỳ, lắp mới công tơ và đội ngũ nhân viên dịch vụ bán lẻ điện năng. Đội ngũ này đã được các Điện lực tăng hệ số thưởng, động viên kịp thời khi phát hiện trộm cắp điện. Đây chính là động lực để các CBCNV tích cực tham gia phát hiện, xử lý tình trạng trộm cắp điện.

PV: Xin ông cho biết, việc phát hiện kịp thời các vụ trộm cắp điện có ý nghĩa như thế nào trong việc giảm tổn thất điện năng của Công ty?

Ông Nguyễn Minh Tuấn: Việc giảm TTĐN của Công ty những năm qua đã thực hiện tương đối tốt, theo đúng lộ trình giảm TTĐN của Tổng công ty Điện lực miền Trung giao (năm 2014: 6,32%; năm  2015: 5,94% và năm 2016 còn 5,73%). Trong đó, việc phát hiện các vụ trộm cắp điện đã đóng góp vào giảm TTĐN mỗi năm bình quân 0,014%. 

Có được kết quả trên là nhờ, Công ty đã có sự triển khai đồng bộ các giải pháp giảm TTĐN về các giải kỹ thuật, đầu tư, tổ chức quản lý vận hành lưới điện, đặc biệt là các giải pháp về thương mại. Trong đó, việc phát hiện và xử lý các vụ vi phạm trộm cắp là giải pháp giảm TTĐN có chi phí thấp nhất. Tuy nhiên, ngoài việc giảm TTĐN, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ trộm cắp điện còn có ý nghĩa xã hội lớn hơn, đó là tạo ý thức tiết kiệm điện và niềm tin của người dân đối với ngành Điện. 

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 22/04/2017 11:05
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 9741