Các nhà máy thủy điện tiếp tục thiếu nước trầm trọng

Hầu hết các nhà máy thủy điện trên cả nước trong thời gian qua đã thiếu nước trầm trọng dẫn đến sản lượng điện sản xuất từ thủy điện quý I/2020 chỉ đạt 7,8 tỷ kWh, thấp nhất trong những năm gần đây.

Thủy điện khát nước

Về vấn đề này, ông Khương Thế Anh - Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho biết, chưa năm nào lượng nước hồ thủy điện thấp đến như vậy, trong đó, hồ Thủy điện Lai Châu có tổng lưu lượng nước về hồ trung bình đạt 102 m3/s, hồ Sơn La 246 m3/s. Vì vậy sản lượng điện sản xuất của 2 nhà máy thuộc công ty chỉ đạt 1,14 tỷ kWh thấp kỷ lục (quý I/2019 đạt hơn 2 tỷ kWh điện).

Công ty Thủy điện Hòa Bình cũng có tình trạng tương tự, thậm chí còn kém hơn nhiều, khi lưu lượng nước về hồ trung bình chỉ 365 m3/s; trong khi trung bình nhiều năm (TBNN) là 740 m3/s. Theo kỹ sư Nguyễn Đình Thủy - Phòng Kỹ thuật An toàn Công ty Thủy điện Hòa Bình: Công ty đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2020, khi mực nước hồ xuống rất thấp; dung tích hữu ích còn 2,13 tỷ m3 tương ứng với sản lượng điện là 400 triệu kWh. Trong khi Nhà máy vẫn phải duy trì cấp nước cho hạ du phục vụ sinh hoạt và nông nghiệp.

Tình trạng thiếu nước cũng diễn ra tại các nhà máy thủy điện khác khu vực miền Trung, Tây Nguyên như Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Pleikrông, Ialy…; nhiều nhà máy đến hết tháng 3 mới chỉ đạt khoảng 15% sản lượng điện theo kế hoạch năm. 

Theo ông Nguyễn Quốc Chính - Phó Trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất (EVN), 2019 là một năm đặc biệt khô hạn, lưu vực các sông hầu như không có lũ, nên các hồ chứa không tích được đủ nước theo kế hoạch, trong khi vẫn phải phát điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, cấp nước cho hạ du. Các tháng đầu năm 2020, dòng chảy đến các hồ chứa thuỷ điện cũng thấp hơn nhiều so với TBNN, nên việc khai thác các nhà máy thuỷ điện rất hạn chế. Đến hết quý I/2020 lượng nước trên các hồ thuỷ điện cũng chỉ còn khoảng 35% dung tích hữu ích.

Lập kế hoạch vận hành hồ chứa theo ngày, tuần

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - Thủy văn cho biết, theo dự báo, từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, ở Bắc Bộ, miền Trung và Tây Nguyên, lượng nước trên các sông suối vẫn tiếp tục thiếu so với TBNN. Ở miền Trung và Tây Nguyên, nguồn nước trên các sông, suối tiếp tục đà suy giảm so với TBNN. Lượng nước trên các sông thiếu từ 15 -70% và dự báo, từ tháng 6-8/2020 mới có khả năng cải thiện.

Theo ông Nguyễn Quốc Chính - Phó trưởng ban Kỹ thuật - Sản xuất EVN, căn cứ vào dự báo của ngành Khí tượng - Thủy văn, EVN đang cùng các địa phương liên quan lập và thực hiện kế hoạch vận hành các nhà máy thủy điện theo từng ngày, từng tuần, từng tháng, tuỳ thuộc vào lượng nước về và nhu cầu thực tế, đảm bảo đáp ứng tốt nhất các nhu cầu sử dụng nước phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân vùng hạ du cũng như các nhu cầu cấp thiết khác.

Cùng với đó, EVN đã phối hợp với các Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Công Thương và các địa phương lập kế hoạch chi tiết vận hành các hồ chứa thuỷ điện, trong đó, ưu tiên đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước của nhân dân vùng hạ du và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Các Bộ, ban, ngành cũng hỗ trợ tối đa cho EVN trong việc  sử dụng nước, đảm bảo an ninh năng lượng và phù hợp với các quy định hiện hành.  

Trước thực trạng khô hạn trên diện rộng, Bộ TN&MT cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường, nâng cao độ chính xác trong dự báo, cảnh báo các hiện tượng cực đoan, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và giám sát việc vận hành các hồ chứa cấp nước cho hạ du, kịp thời chỉ đạo các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực các sông, điều chỉnh vận hành phù hợp với tình hình thực tế hạn hán và nhu cầu của hạ du; đẩy mạnh tìm kiếm nguồn nước ngầm, cung cấp cho các vùng thiếu nước.

Để giữ nước các hồ thuỷ điện phục vụ cao điểm mùa khô 2020, EVN đã phải tăng cường nguồn điện chạy dầu giá thành cao, đảm bảo cung ứng đủ điện cho đất nước trong mọi điều kiện. 


  • 08/05/2020 03:52
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 7689