Bao giờ cân bằng giá mua và giá bán?

Từ 01/6/2017, theo quy định, giá điện mặt trời được EVN mua là 9,35 cent/kWh, trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân của EVN là 7,3 cent/kWh. Đây là một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của ngành Năng lượng Việt Nam.

Bù lỗ 2 cent/kWh điện mặt trời

Theo ông Phương Hoàng Kim - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.622,01 đồng/kWh, tương đương khoảng 7,3 cent/kWh. Như vậy, khi mua điện mặt trời giá 9,35 cent/kWh, EVN lỗ khoảng 2 cent/kWh.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ đã ban hành cơ chế phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT). Với các cơ chế này, chắc chắn tỷ trọng nguồn điện NLTT sẽ tăng lên trong thời gian tới. Riêng đối với điện mặt trời, trước mắt mức giá này sẽ hỗ trợ giải tỏa công suất của các nhà máy điện mặt trời hiện có hoặc đang xây dựng, chuẩn bị đưa vào vận hành.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan về những khó khăn khi phát triển nguồn điện NLTT. Vì bản chất của điện gió, điện mặt trời là không ổn định, phụ thuộc vào thiên nhiên, khí hậu, thời tiết; trong khi đó, hệ thống điện quốc gia đòi hỏi phải có tính ổn định cao. Khi phát triển năng lượng tái tạo, yêu cầu về tính ổn định của hệ thống phải được đặt ra. Đó là các ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ... Vì vậy, để đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện, bên cạnh việc đầu tư phát triển NLTT, phải đầu tư các nguồn năng lượng điện khác, sẵn sàng thay thế khi cần thiết. 

“Mặc dù hiện nay KHCN đã phát triển mạnh, chi phí đầu tư vào NLTT (điện mặt trời, điện gió) đã giảm rất nhanh, nhưng vẫn còn cao. Theo tính toán của EVN đến năm 2030, nguồn vốn phải bù lỗ cho NLTT là rất lớn, không phải quốc gia nào cũng có thể đáp ứng được. Với những khó khăn đó, phải có lộ trình phát triển phù hợp đối với NLTT. Mục tiêu là, trong thời gian ngắn có thể nâng cao hơn nữa tỷ trọng điện NLTT, nhưng giá điện NLTT phải phù hợp để khách hàng có thể chấp nhận được” - ông Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Giải bài toán cân bằng thu - chi?

Theo GS.Viện sĩ. TSKH Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, mặc dù giá điện mặt trời cao hơn giá bán bình quân khoảng 2 cent/kWh, song vẫn chưa đủ hỗ trợ, kích thích đầu tư phát triển năng lượng mặt trời. Hiện nay, trong hệ thống điện Việt Nam, nguồn thủy điện vẫn chiếm tỷ trọng cao, trong khi các nguồn NLTT chưa nhiều, việc huy động các nguồn điện giá thành thấp (từ các nhà máy thủy điện) có thể bù lỗ cho nguồn điện NLTT giá thành cao. “Khi không có nguồn điện gió và mặt trời, hệ thống cần phải huy động bù từ nguồn thủy điện. Tuy nhiên, tỷ trọng của NLTT đang ngày càng gia tăng, trong khi thủy điện không đủ khả năng bù đắp mãi, không chỉ về giá mà còn phải đảm bảo dự trữ nguồn nước. Đây cũng là nội dung cần phải nghiên cứu, tính toán hết sức cẩn trọng…”.

Tại “Diễn đàn Năng lượng Việt Nam – hiện tại và tương lai” tổ chức đầu tháng 5 vừa qua, đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cũng đã chỉ ra 5 yếu tố ảnh hưởng đến giá điện trong nước khi phát triển NLTT. Trong đó, phải kể đến vốn đầu tư phát triển hạ tầng (nguồn - lưới điện). Đây là thành phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu giá điện. 

Hiện nay, thủy điện chiếm gần 40% tổng điện năng sản xuất hàng năm, nhưng hầu như tiềm năng này đã được khai thác hết. Trong 10 năm tới, tỷ trọng các nguồn nhiệt điện than, khí sẽ tăng lên. Việt Nam đã bắt đầu phải nhập khẩu than và đang tính đến việc phải nhập khẩu khí đốt. Do đó, giá điện từ các nguồn này cũng khá cao, khó có khả năng hỗ trợ, bù đắp cho phần chênh lệch của giá điện NLTT như gió, mặt trời. 

Cùng với các yếu tố khác như thuế, phí bảo vệ môi trường, nhiều khoản chi phí trả cho các nguồn NLTT thì cơ chế cạnh tranh về giá trong thị trường điện cũng sẽ tác động không nhỏ tới giá điện nói chung, giá NLTT nói riêng. Thị trường điện cho phép các doanh nghiệp phát điện được cạnh tranh với nhau. Khi nguồn điện khan hiếm, giá thị trường sẽ cao. Và ngược lại, khi nguồn điện dư thừa, giá thị trường sẽ giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá bán điện theo cả hai hướng tăng và giảm. 

Phát triển NLTT trong tương lai gần có thể làm cho giá điện tăng nhanh hơn, nhưng với mức tăng không nhiều. Tuy nhiên, về lâu dài, phát triển NLTT sẽ thu được lợi ích không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm nhập khẩu năng lượng… 

Theo ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế, chỉ khi giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường thì mới thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện năng cũng như phát triển NLTT. Nguồn vốn đầu tư tư nhân rất quan trọng, có tính quyết định đến sự thành công của Chiến lược phát triển NLTT trong thời gian tới. Cùng với các cơ chế khuyến khích về giá cho các nguồn NLTT, việc thực hiện cơ chế thị trường còn tạo sự minh bạch tài chính, mời gọi đầu tư của tư nhân cũng như hỗ trợ vốn từ các ngân hàng. 

Ông Lê Vĩnh Sơn – Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà cho rằng, với các cơ chế khuyến khích về giá điện mặt trời cộng với các cơ chế ưu đãi về đất đai và KHCN, việc đầu tư vào các dự án điện mặt trời sẽ tăng nhanh, suất đầu tư giảm, chắc chắn giá điện mặt trời sẽ giảm nhanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, cơ chế giá điện đang bị thắt đầu ra, nguồn vốn cho đầu tư kết cấu hạ tầng nguồn và lưới điện, đảm bảo huy động các nguồn NLTT ngày càng tăng; trong khi thủy điện - nguồn điện giá rẻ đang giảm dần, cũng như phụ thuộc ngày càng nhiều vào thiên nhiên. Việc nhập khẩu các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí… đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện tăng cao làm cho khoảng cách giữa giá mua và giá bán ngày càng xa hơn, khả năng cân bằng giữa giá mua và giá bán trên hệ thống điện quốc gia vẫn là một “bài toán” khó! 

Một số kiến nghị của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) nhằm giảm áp lực đối với giá điện khi phát triển NLTT: 

- Có cơ chế điều chỉnh giá điện phù hợp, kiểm soát được giá điện bán lẻ, nhưng vẫn đảm bảo giá điện phản ánh đầy đủ các chi phí; 
- Khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các nguồn điện độc lập, tham gia cạnh tranh hiệu quả trong thị trường điện;
- Phát triển lưới điện thông minh và các chương trình điều chỉnh phụ tải;
- Xây dựng cơ chế thị trường điện cạnh tranh và khuyến khích các nguồn NLTT phân tán, hoạt động theo cơ chế bù trừ năng lượng. Các nguồn năng lượng này nằm gần phụ tải, vừa giảm bớt chi phí đầu tư cho kết cấu hạ tầng, đồng thời, có cơ chế bù trừ sẽ giúp cho giá điện giảm bớt phần chênh lệch do phải hỗ trợ các nguồn NLTT nối lưới...


 


  • 18/07/2017 01:55
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 43642