Bảo đảm điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam

Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò hết sức quan trọng, là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. Đồng thời, khu vực này có tốc độ tăng trưởng phụ tải liên tục ở mức cao nhất so với các vùng miền khác. Chính vì vậy, việc bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho các phụ tải trong khu vực luôn là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi các đơn vị trong ngành truyền tải điện phải nỗ lực hết mình, có những giải pháp đồng bộ từ vận hành đến đầu tư đúng tiến độ các công trình lưới điện.

Phụ trách việc vận hành lưới điện truyền tải cao áp (220 - 500 kV) ở địa bàn 19 tỉnh, thành phố phía nam, Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang quản lý 5.780 km đường dây và 44 trạm biến áp với tổng dung lượng 26.565 MVA. So cùng kỳ năm 2015, khối lượng quản lý vận hành đường dây 220 kV tăng 10,6% (416 km), tăng 4 trạm biến áp với dung lượng 2.013 MVA (7,9%).

Công nhân PCT 4 kiểm tra vận hành tại TBA 500 kV Duyên Hải - Ảnh Minh Nguyên

Từ đầu năm đến nay, phụ tải khu vực phía Nam tăng khoảng 14,87%, là mức rất cao khi mà chỉ hơn 10% đã được coi là tăng đột biến. Do nhu cầu phụ tải tăng cao khi vào mùa nắng nóng, một số trạm biến áp do đơn vị quản lý đang vận hành ở mức lớn hơn 80% công suất thiết kế, được coi là mức đầy tải, trong khi mức tối ưu chỉ 70%.

Khi vận hành ở mức tải cao thì tổn thất kỹ thuật cũng tăng cao. Trong vận hành, đơn vị gặp nhiều khó khăn do phương thức vận hành phải truyền tải công suất cao trên các đường dây 500 kV Trung - Nam; một số đường dây và máy biến áp tiếp tục mang tải cao, đầy tải như Cát Lái - Thủ Đức; Phú Lâm - Bình Tân, Long Bình - Sông Mây - Bảo Lộc; một số trạm biến áp phải vận hành độc lập thanh cái 220 kV; một số khu vực có lưới điện 110 kV chưa đồng bộ.

Trước tình hình đó, để nâng cao chất lượng vận hành lưới điện truyền tải, bảo đảm cung cấp điện cho nhân dân, quán triệt các chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNNPT, PTC4 đã tập trung vào việc tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật, kịp thời phát hiện các bất thường và xử lý triệt để nhằm ngăn ngừa sự cố. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong vận hành, không để xảy ra sự cố chủ quan, chú trọng nâng cao chất lượng công tác trong công trình đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên.

Công ty đã chủ động bằng nhiều giải pháp kỹ thuật và tuyên truyền trong nhân dân bảo đảm an toàn hành lang an toàn lưới điện bằng nhiều giải pháp hữu hiệu như: Tổ chức các đợt tuyên truyền trực tiếp giải thích cho nhân dân, các chương trình văn nghệ, dùng các xe cổ động tuyên truyền, các chương trình thanh niên với người dân sống dọc hành lang đường dây, phát vở cho học sinh có in nội dung tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện,… được sự đồng tình và hưởng ứng trong nhân dân, công ty cũng đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp bảo vệ an toàn lưới điện với công an các tỉnh và thành phố.

Kết quả đạt được là không để xảy ra cháy trong và ngoài hành lang an toàn lưới điện gây sự cố đường dây, không có các vụ việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện gây sự cố do cây cối, xây nhà, tàu thuyền, xe cẩu,…

Với những biện pháp tổng hợp nêu trên, số vụ sự cố đã giảm 75% so cùng kỳ năm ngoái, giúp cho hệ thống điện miền Nam thời gian qua vận hành ổn định, an toàn.

Cùng với công tác vận hành, Công ty cũng đang tích cực đầu tư mới, nâng cấp, nâng công suất các công trình lưới điện, nhằm bảo đảm sự phát triển của phụ tải, bảo đảm an toàn, liên tục cung cấp điện cho nhân dân, phấn đấu đến năm 2020 lưới điện có dự phòng đầy đủ, bảo đảm các sự cố sẽ không gây mất điện.

Một số công trình điển hình là vừa qua, PTC4 đã hoàn thành nâng công suất trạm biến áp 500 kV Phú Lâm từ máy biến áp 500 kV- 450 MVA lên 900 MVA góp phần quan trọng tăng cường cấp điện ổn định cho TP Hồ Chí Minh và một số khu vực lân cận, tăng cường công suất trạm 500 kV Ô Môn từ MBA 500 kV - 450 MVA lên 900 MVA, tăng cường công suất trạm 220 kV Cao Lãnh, Bến Tre từ máy biến áp 220 kV- 125 MVA lên 250 MVA,… giúp cung cấp điện khu vực miền Tây Nam bộ ổn định.

Đơn vị cũng đang chuẩn bị nâng công suất Trạm biến áp 500 kV Tân Định; nâng công suất các máy biến áp thứ hai cho trạm biến áp 220 kV Vĩnh Long, Bến Tre, Cao Lãnh.

Nhằm nâng cao năng suất lao động và hiện đại hóa công tác vận hành lưới điện, hiện công ty đang thử nghiệm điều khiển vận hành từ xa ba trạm biến áp, từng bước thực hiện lộ trình chuyển sang trạm bán người trực và không người trực. Trong năm 2016, công ty sẽ triển khai thủ tục xây dựng hai trung tâm điều khiển từ xa đặt tại Trạm biến áp 500 kV Mỹ Tho và Trạm biến áp 500 kV Tân Định.


  • 01/06/2016 02:01
  • Theo báo Nhân dân
  • 7917