Bài học cải cách: Không gì là không thể

Tiếp cận điện năng là một trong 10 chỉ số đo lường chất lượng môi trường kinh doanh quốc gia theo xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB).

Năm 2013 tiếp cận điện năng của Việt Nam bị xếp thứ 156, trong đó có 6 thủ tục, thời gian là 115 ngày và chi phí bằng 1.726,4% GDP/người.

Các thủ tục đó bao gồm: (i) khách hàng đăng ký cấp điện mới và thỏa thuận đấu nối mất 30 ngày; (ii) công ty điện lực khảo sát để cấp điện mất 1 ngày; (iii) khách hàng có giấy phép đào đường kết nối ngầm dưới đất tại Sở GTVT mất 15 ngày; (iv) khách hàng thuê công ty tư nhân thiết kế và xây dựng công trình bên ngoài mất 63 ngày; (v) khách hàng được cấp giấy chứng nhận thiết kế TBA từ Phòng cảnh sát PCCC mất 30 ngày; và (vi) khách hàng được lắp công tơ và ký hợp đồng mua bán điện mất 7 ngày.

Cải thiện chất lượng tiếp cận điện năng liên tục là một nội dung cơ bản của Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2015-2020.

Năm 2016 chứng kiến bước đầu cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng; thời gian tiếp cận điện giảm được 66 ngày, xuống còn 49 ngày. Kể từ đó, chỉ số tiếp cận điện năng liên tục cải thiện mạnh trên tất cả các chỉ số thành phần.

Đến năm 2020, còn 4 thủ tục, 31 ngày để tiếp cận điện; chi phí bằng khoảng 994% GDP/người; chất lượng cung ứng điện và minh bạch về giá đạt mức cao 7/8 điểm; và kết quả là xếp hạng thứ 27. So với năm 2015, thứ hạng tăng 108 bậc, cắt giảm 2 thủ tục, giảm 84 ngày.

Như vậy, chỉ số tiếp cận điện năng đã có cải thiện vượt bậc; một điển hình chứng tỏ không gì là không làm được trong cải cách cải thiện môi trường kinh doanh.

Diễn biến chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.

Kết quả ngoạn mục

Tại sao lại đạt được kết quả ngoạn mục nói trên?

Ở góc độ doanh nghiệp, EVN đã chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết 19 ngay từ đầu. Họ thành lập “tổ đặc nhiệm” thực hiện nghị quyết 19; trực tiếp làm việc với nhóm xây dựng DoB của WB để tìm hiểu về phương pháp luận, cách tính chỉ số tiếp cận điện trên thực tế, bài học kinh nghiệm quốc tế; khảo sát thực tế về thực trạng tiếp cận điện của doanh nghiệp; xác định các thủ tục và thời gian thực hiện các thủ tục v.v...

Từ đó, EVN xác định các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp đưa thành nội dung có liên quan của nghị quyết. Cách làm nói trên liên tục được duy trì từ 2014 cho đến nay. Nhờ đó, các giải pháp cải thiện chỉ số tiếp cận điện thường khá cụ thể; được bổ sung, cập nhật và làm mới hàng năm.

Các giải pháp không chỉ xác định các thông tư, nghị định cần sửa đổi, mà cả các yêu cầu sửa đổi cụ thể trực tiếp giải quyết các vướng mắc, khó khăn đã xác định nhằm cắt giảm thủ tục và rút ngắn thời gian tiếp cận điện để đạt tối đa có thể mục tiêu đề ra.

EVN cũng tích cực, chủ động phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố; và thúc đẩy sự phối hợp giữa các sở và ủy ban nhân dân cấp huyện để giải quyết các vấn đề, vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương. 

Khi nghị định, thông tư có liên quan đã bổ sung, sửa đổi, EVN chủ động triển khai thực hiện; tổ chức tập huấn, phổ biến các nghị định, thông tư cải cách thủ tục liên quan đến chỉ số tiếp cận điện năng cho 63 tỉnh/thành phố. Đồng thời, thường xuyên báo cáo UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo các sở/ban/ngành liên quan cải cách hành chính. Nhờ đó, đã có 56/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ban hành cơ chế liên thông trong cấp điện qua lưới điện trung áp giữa Điện lực và các sở/ban/ngành địa phương.

Tuy nhiên, nếu mình EVN thì sẽ không đủ. Cải cách đáng kể này còn được tiếp sức, ủng hộ của rất nhiều các bộ, ngành, của hệ thống nói chung.

TS Nguyễn Minh Thảo

(Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)

Link gốc


  • 06/07/2021 03:56
  • Nguồn: vietnamnet.vn
  • 4115