5 xu hướng công sở của năm 2023

Bình đẳng giới, tập trung vào phúc lợi và thực hiện trách nhiệm xã hội là những xu hướng công sở sẽ phát triển trong năm 2023.

Môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp là những vấn đề được nhiều người lao động quan tâm hiện nay. Mục tiêu lớn của các nhà quản lý, lãnh đạo trong năm mới là duy trì sự gắn bó của tập thể nhân sự, tập trung vào phúc lợi.

Trong năm 2022, nhiều công ty trên toàn cầu đã cho phép nhân viên làm việc từ xa. Đến năm nay, một số xu hướng công sở mới sẽ bắt đầu phát triển, tác động trực tiếp đến lực lượng lao động.

Dưới đây, Entrepreneur liệt kê ra 5 kiểu môi trường làm việc được cho là sẽ phát triển trong năm 2023.

Môi trường gắn kết

Năm 2022 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của mô hình hybrid work (kết hợp làm việc tại văn phòng và tại nhà). Sự linh hoạt về nơi chốn và giờ giấc làm việc được nhiều công ty áp dụng, đem đến tinh thần thoải mái cho đội ngũ nhân sự.

Phần lớn người lao động cảm thấy hài lòng hơn với sự thay đổi này. Tuy nhiên, trả lời khảo sát về xu hướng công sở hậu COVD-19 được thực hiện bởi Entrepreneur, 65% doanh nghiệp thừa nhận cách làm việc nêu trên khiến tập thể nhân viên thiếu gắn kết. Họ cho rằng việc phát triển văn hóa công ty khi nhân sự làm việc từ xa là một thách thức lớn.

Với mục tiêu xây dựng môi trường gắn kết, doanh nghiệp có thể tổ chức những cuộc họp đông đủ thành viên, các hoạt động tập thể ngoài giờ hành chính.

Thực hiện trách nhiệm xã hội

Nhiều nhân sự thuộc Gen Z đang bước chân vào thị trường lao động. Đây là thế hệ đặc biệt quan tâm đến các vấn đề xã hội như bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, chống phân biệt chủng tộc...Vì thế, các doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm đối với cộng đồng.

Trong một nghiên cứu của Công ty cung cấp số liệu xã hội Gartner vào năm 2022, 87% đáp viên cho biết các công ty nên công khai sự đóng góp cho xã hội. Khi thể hiện sự quan tâm và lên tiếng về các vấn đề chung, các tổ chức sẽ dễ dàng chiêu mộ nhân sự tài năng hơn.

Tập trung vào phúc lợi

Sức khỏe tinh thần đã trở thành yếu tố cần cải thiện hàng đầu của lực lượng lao động hiện nay. Tình trạng chán nản, mệt mỏi, kiệt quệ kéo dài đã trở thành nguyên nhân nghỉ việc phổ biến. Cuối năm 2022, một sự thay đổi tích cực đã được ghi nhận.

Theo Tổng Y sĩ Mỹ, 71% nhân sự cho biết vấn đề sức khỏe tâm thần và phúc lợi đã được các nhà lãnh đạo quan tâm nhiều hơn. Ông cũng yêu cầu các doanh nghiệp đảm bảo cơ hội thăng tiến, đánh giá cao sự đóng góp của nhân viên và tăng cường sự đoàn kết tại văn phòng.

Các nhà quản lý nên cho phép nhân sự nghỉ phép để cải thiện sức khỏe tinh thần hoặc mở khóa học tư vấn tâm lý.

Đề cao bình đẳng giới

Cuối năm 2022, khảo sát của Harvard Business Review đã chỉ ra những định kiến tại nơi công sở mà nhân viên nữ phải đối mặt. Nhiều nhà lãnh đạo, quản lý nữ cho biết họ phải vượt qua hàng loạt lời chê bai, nhận xét tiêu cực trước khi thăng tiến.

Theo khảo sát này, phụ nữ đang phải hy sinh tiếng nói, nhu cầu của bản thân để sinh tồn nơi công sở. Bình đẳng giới luôn là chủ đề nóng và sẽ được quan tâm nhiều hơn trong năm mới 2023.

Không chỉ loại bỏ sự chênh lệch lương thưởng theo giới tính, bổ nhiệm nhân sự nữ vào những vị trí lãnh đạo cấp cao, các doanh nghiệp cần thể hiện thái độ lắng nghe phái nữ. Chế độ nghỉ phép khi sinh con, giảm thiểu khối lượng công việc ngày “đèn đỏ” cũng nên được áp dụng.

Đầu tư cho lãnh đạo

Các nhà quản lý, lãnh đạo luôn phải đối mặt với hàng loạt áp lực như chỉ tiêu kinh doanh, ngân sách, chiến lược, đàm phán...Đồng thời, họ cũng là những người tiên phong trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chịu trách nhiệm gắn kết nhân viên.

Trong cuộc khảo sát chuyên sâu về nhân sự năm 2022, Công ty cung cấp nguồn nhân lực CCI Consulting nhận thấy hơn 50% nhân sự cấp quản lý thiếu kỹ năng dẫn dắt, quản trị. Vì thế, trong năm 2023, nhiều công ty dự định tổ chức các khóa học, chương trình huấn luyện, đào tạo dành riêng cho các nhà lãnh đạo.

Những xu hướng công sở mới mẻ, đầy hứa hẹn này có thể lôi kéo số lượng lớn nhân sự đã nghỉ việc quay trở lại thị trường lao động trong năm 2023.

Link gốc