'Mỗi cán bộ công nhân viên ngành Điện là một hạt nhân tuyên truyền tiết kiệm điện'

Chia sẻ với evn.com.vn về cuộc thi Truyền thông về tiết kiệm điện trong Nhóm Đồng nghiệp EVN năm 2022, nhà báo Đỗ Đình Dũng – Trưởng ban Giám khảo cuộc thi nhấn mạnh, mỗi cán bộ công nhân viên ngành Điện là một hạt nhân tuyên truyền trong gia đình, đại gia đình và cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống. Và với khoảng 100.000 cán bộ công nhân viên EVN thì sự lan toả này càng có ý nghĩa.

Nhà báo Đỗ Đình Dũng – Phó trưởng ban phụ trách Ban Thời sự Báo Công Thương, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi Truyền thông về tiết kiệm điện trong Nhóm Đồng nghiệp EVN năm 2022

PV: Ông đánh giá như thế nào ý nghĩa cuộc thi Truyền thông về tiết kiệm điện trong Nhóm Đồng nghiệp EVN năm 2022?

Nhà báo Đỗ Đình Dũng: Tôi đánh giá rất cao việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức cuộc thi trong Nhóm Facebook Đồng nghiệp EVN. Điều này đã thể hiện vai trò, trách nhiệm của EVN trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; chỉ thị của Thủ tướng về tiết kiệm điện, song song với nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế - xã hội.

Như chúng ta đã biết, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, do đó nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng lên. Mặc dù hệ thống điện Việt Nam đã tương đối vững chắc, có quy mô đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ hạng cao trên thế giới nhưng việc đảm bảo cung cấp điện vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Bởi lẽ, nguồn năng lượng sơ cấp ngày càng cạn kiệt, chúng ta đã phải nhập khẩu than, khí giá cao để phát điện; nguồn thuỷ điện cơ bản đã khai thác hết; việc huy động từ nguồn năng lượng tái tạo vẫn gặp khó khăn và nhiều yếu tố biến động khác, cùng với những cam kết hội nhập. Do đó, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện là một trong những giải pháp cấp bách.

Trong những năm qua, EVN đã làm tốt công tác tuyên truyền điện trên bình diện xã hội và nội bộ. Và cuộc thi này là một hoạt động tiếp nối, lan toả tinh thần tiết kiệm điện trong cán bộ công nhân viên ngành Điện. Và mỗi cán bộ công nhân viên ngành Điện là một hạt nhân tuyên truyền trong gia đình, đại gia đình và cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống. Với hơn 100.000 cán bộ công nhân viên ngành Điện thì sự lan toả này càng có ý nghĩa.

Việc tham gia cuộc thi cũng sẽ góp phần củng cố, nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như thúc đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, thực hành tiết kiệm điện của mỗi cán bộ công nhân viên EVN nói riêng và cả xã hội nói chung. Việc tiết kiệm điện trước hết là tiết kiệm tài chính, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm áp lực cho ngành điện, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Đồng thời, tôi thấy cuộc thi là hoạt động đầy ý nghĩa nhân kỷ niệm 68 năm ngày Truyền thống ngành Điện.

PV: Ở vị trí Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi, ông đánh giá ra sao về chất lượng các bài dự thi cuộc thi này?

Nhà báo Đỗ Đình Dũng: Diễn ra từ ngày 10/8-10/10/2022, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo cán bộ công nhân viên ngành Điện trên cả nước. Điều đó thể hiện qua 171 tác phẩm dự thi các thể loại gửi đến Ban Tổ chức, và lượng tương tác lớn ủng hộ các bài thi trên nhóm Facebook Đồng nghiệp EVN.

Theo đánh giá chung, các tác phẩm dự thi đã bám sát chủ đề và đáp ứng các tiêu chí mà Ban tổ chức đưa ra. Đặc biệt, mỗi tác phẩm đều được các tác giả/nhóm tác giả đầu tư công sức, tâm huyết. Có thể nói, qua các tác phẩm, cá nhân tôi thấy, cán bộ công nhân viên ngành Điện đã có nhiều ý tưởng, sáng tạo và ngày càng chuyên nghiệp hơn trong cách tuyên truyền tiết kiệm điện.

Chất lượng của các tác phẩm đã được nâng lên, thể hiện ở phong cách thể hiện đa dạng, nội dung và hình thức phong phú đa dạng; thông tin đầy đủ và rất chi tiết; bố cục rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; truyền tải được các thông điệp rõ ràng về tiết kiệm điện. Điều này không chỉ tác động tới ý thức người xem/đọc mà qua đó thúc đẩy hành động tiết kiệm điện của mỗi cá nhân.

PV: Một trong những tiêu chí chính của cuộc thi này là tìm ra các tác phẩm Video Clip/ Infographic, tranh vẽ phù hợp đăng tải mạng xã hội. Ông thấy tính mới đó được thể hiện nổi bật trong những tác phẩm nào?

Nhà báo Đỗ Đình Dũng: Một trong những điểm mới của cuộc thi năm nay là Ban Tổ chức đã đưa loại hình tuyên truyền bằng Clip và Inforgraphic thay vì những bài viết bằng chữ. Đây là loại hình tuyên truyền theo xu hướng hiện đại, phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số, truyền thông số mà chúng ta đang thực hiện.

Ở nhóm tác phẩm Clip, tôi rất ấn tượng với tác phẩm “Người người tiết kiệm điện, Nhà nhà tiết kiệm điện” bởi vì cách tiếp cận của nhóm tác giả rất mới, rất sáng tạo. Xây dựng kịch bản rõ ràng, thông tin đầy đủ, thể hiện qua lời bài hát và nhạc phù hợp với mọi đối tượng trong xã hội; thời lượng vừa đủ, cảnh quay sắc nét, rõ ràng nên rất hấp dẫn và chắc chắc sẽ để lại ấn tượng cho người xem.

Hay tác phẩm “Sử dụng điện hợp lý mùa nắng nóng”, “Tấm Cám ngoại truyện tiết kiệm điện” đã được đầu tư khá công phu, có cốt truyện, bố cục rõ ràng, hình quay đáp ứng đủ điều kiện của 1 tác phẩm truyền hình. Đặc biệt đã truyền tải rõ nét thông điện tiếp kiện điện cũng đồng nghĩa tiết kiệm về tài chính – mối quan tâm của mọi gia đình, mọi doanh nghiệp.

Bộ tranh vẽ “10 cách tiết kiệm điện hiệu quả trong mùa hè cùng các dân tộc thiểu số” của tác giả Nguyễn Thành Trung

Đối với nhóm tác phẩm Inforgraphic, tranh vẽ, tôi ấn tượng với bộ tranh vẽ “10 cách tiết kiệm điện hiệu quả trong mùa hè cùng các dân tộc thiểu số” của tác giả Nguyễn Thành Trung. Tác giả đã thể hiện thông điệp tiết kiệm điện qua tranh vẽ về đồng bào các dân tộc Việt Nam. Ở mỗi bức tranh không chỉ đẹp về hình thức, có tính hội họa; mà còn đưa ra chỉ dẫn rõ ràng về một phương thức tiết kiệm điện theo cách dễ hiểu nhất. Tác phẩm này mang nhiều ý nghĩa, vừa truyền tải thông điệp, chỉ dẫn tiết kiệm điện, vừa thể hiện sự quan tâm tới khách hàng là đồng bào các dân tộc ở vùng cao. Qua đó giúp đồng bào nói riêng và người dân nói chung thấy được bản sắc văn hoá tốt đẹp, đa dạng của các dân tộc thiểu số, qua đó nâng cao ý thức gìn giữ văn hoá dân tộc.

PV: Là nhà báo có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng, ông có lời khuyên nào tới các “tay bút”, “phóng viên” không chuyên trong các đơn vị EVN khi sáng tạo những tác phẩm truyền thông về tiết kiệm điện?

Nhà báo Đỗ Đình Dũng: Trước hết phải nói rằng, nhiệm vụ chính của cán bộ công nhân viên ngành Điện là sản xuất, kinh doanh điện, nhưng với một lĩnh vực không chuyên hay còn gọi là “tay ngang” mà sáng tác ra các tác phẩm như vậy là điều tuyệt vời.

Công tác tiết kiệm điện là nhiệm vụ thường xuyên, do đó cần phải đưa ra các ý tưởng mới để liên tục truyền tải được thông điệp này nhằm nâng cao ý thức, hành động của cộng đồng.

Theo kinh nghiệm của tôi, để truyền thông tốt hơn về tiết kiệm điện, thứ nhất, các tay bút không chuyên cần xác định được mục tiêu tuyên truyền là gì? Đối tượng tuyên truyền; hình thức tuyên truyền, cách thức thể hiện như thế nào?

Muốn vậy cần bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; không ngừng học hỏi trau dồi vốn sống, kiến thức sâu rộng về nhiều mặt; chịu khó quan sát… Bởi vì có nắm bắt được thông tin, hiểu được tầm quan trọng của việc tiết kiệm điện mới có ý tưởng sáng tạo, tìm kiếm được đề tài đúng và trúng.

Cập nhật, học hỏi các cách thức về xu hướng truyền thông mới, công nghệ hiện đại trong thời đại kỹ thuật số để sáng tạo ra những tác phẩm mang lại ấn tượng, phù hợp với các đối tượng người xem. Đồng thời, không ngừng học hỏi kỹ năng về làm báo, bởi báo chí vẫn là phương tiện truyền nhanh nhất, hiệu quả nhất và có nhiều công chúng nhất, tác động nhiều nhất đến ý thức, hành động của cộng đồng.

Và tôi nghĩ rằng, sau cùng là cần duy trì sự say mê, tâm huyết, trách nhiệm đối với nhiệm vụ chung cũng như trong sáng tác các tác phẩm về tiết kiệm điện.

PV: Xin cám ơn ông!


  • 23/12/2022 04:20
  • Thùy Dương (thực hiện)
  • 5239