Văn hóa kinh doanh và phát triển bền vững

Xin chuyên gia cho biết văn hóa kinh doanh có vai trò như thế nào trong mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp?

Nguyễn Hải Bắc
14/02/2023

Trả lời

Gửi bạn Nguyễn Hải Bắc,

Thực tế cho thấy, không bao giờ có hai công ty có cùng một bản sắc và giá trị văn hóa. Để cạnh tranh, đối thủ có thể sao chép nhiều thứ, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình cho đến bí quyết công nghệ... song không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần.

Trong một thế giới thay đổi nhanh, nhiều rủi ro, bất ổn và khó dự báo như hiện nay, văn hóa kinh doanh càng thể hiện rõ vai trò "trụ đỡ”, "lực đẩy" quan trọng, giúp DN vượt qua khó khăn và thách thức, phục hồi và tiếp tục phát triển bền vững.

Tính đặc thù của văn hóa kinh doanh được tạo ra từ doanh nhân - người sáng lập, chủ sở hữu, người đứng đầu hoặc cổ đông lớn giúp DN hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận. Văn hóa của doanh nhân - người đứng đầu chính là văn hóa liêm chính, bao gồm có ba phẩm chất: tính kỷ luật: kỷ luật với bản thân, với giá trị mình theo đuổi, với mục tiêu của tổ chức; tính tuân thủ: tuân thủ pháp luật, để không bị ngã vào kinh doanh phi văn hóa; tính chính trực: văn hóa liêm chính chính là thứ duy nhất doanh nhân không được ủy quyền, mà phải đi tiên phong, thực thi đầu tiên và trong mọi trường hợp.

Tính bền vững của DN được hiểu là khả năng của DN trong việc kiến tạo những tác động tích cực đến sự phát triển môi trường, xã hội và kinh tế thông qua những thực tiễn quản trị và sự hiện diện trên thị trường của các DN. Hiện nay, ESG (môi trường - Environment, xã hội - Social, quản trị - Governance) đang được áp dụng để đo lường tính bền vững của một DN. Và trong đó, văn hóa kinh doanh là yếu tố xuyên suốt cả E, S và G:

E - môi trường: Cam kết giảm phát thải khí nhà kính và các vấn đề liên quan đến sử dụng không khí, nguồn nước và đất đai; việc sử dụng tài nguyên, các mối quan tâm khác như đa dạng sinh học, phá rừng, tác động từ biến đổi khí hậu cũng thuộc trụ cột này.

S - xã hội: Những hạng mục trong trụ cột này bao gồm cách thức quản lý nhân viên và tuân thủ các quy định về luật lao động; trách nhiệm sản phẩm bao gồm an toàn và chất lượng của sản phẩm; chuỗi cung ứng lao động và các tiêu chí về sức khỏe an toàn, những đóng góp và quan hệ với cộng đồng - đưa sản phẩm, dịch vụ đến với những cộng đồng người kém may mắn...

G - quản trị: Bao gồm quyền của cổ đông, sự đa dạng trong hội đồng quản trị, mức lương thưởng ban giám đốc nhận được và tương quan giữa lương thưởng gắn với tính bền vững của công ty, hành vi và đạo đức kinh doanh, các vấn đề chống tham nhũng và cạnh tranh không lành mạnh.

Chuyên gia Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam.


  • 14/02/2023