Những tiêu chí để đánh giá văn hóa doanh nghiệp

Khi đánh giá về văn hóa doanh nghiệp hiện hữu tại tổ chức của mình, chúng ta nên quan tâm đến những tiêu chí nào, thưa chuyên gia?

Phạm Ngọc Thanh
08/12/2022

Trả lời

Bạn Phạm Ngọc Thanh thân mến,

Ngày nay người lao động đã xếp hạng yếu tố “môi trường làm việc lý tưởng” lên trên các phúc lợi về vật chất, tiền bạc – theo khảo sát từ Harvard Business Review. Và điều này được tạo ra thông qua văn hóa doanh nghiệp. Đây cũng là lý do quan trọng cho việc tại sao các nhà lãnh đạo nên thực hiện đánh giá văn hóa doanh nghiệp. Nếu bạn chưa từng làm điều đó trước đây, hãy sử dụng 4 yếu tố được gợi ý dưới đây:

- Xem xét mức độ cởi mở trong ban lãnh đạo: Nếu như văn hóa của một tổ chức cần được xem xét đánh giá và tiến hành thay đổi hoặc sửa đổi cho phù hợp với từng giai đoạn của doanh nghiệp thì điều đó cũng phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của người đứng đầu. Do đó, cần phải có sự thay đổi từ cấp trên, hoặc một cuộc họp hội đồng quản trị với những người có tiếng nói trong công ty để đánh giá văn hóa doanh nghiệp hiện trạng.

- Đánh giá văn hóa doanh nghiệp cần nhìn vào các chương trình đãi ngộ: Hành động tuyên dương những nhân viên đã làm việc xuất sắc hoặc cung cấp giá trị cho công ty rất quan trọng. Khi đánh giá doanh nghiệp hiện hữu, nhà lãnh đạo cần xem xét lại các chương trình đãi ngộ nhân viên, bao gồm cả khen thưởng thường xuyên và đột xuất đã tạo được sức hút, sự hài lòng và khơi dậy khả năng cống hiến cho người lao động hay chưa? Tùy vào hiện trạng mà nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có những điều chỉnh phù hợp.

- Quan sát sự tương tác của các thành viên trong nhóm: Các bản sắc văn hóa mạnh mẽ và bền vững được rèn giũa dựa trên các mối quan hệ và sự kết nối của người với người. Khi đánh giá văn hóa doanh nghiệp, hãy chú ý phân tích sự năng nổ giữa các đồng nghiệp và chú ý cách họ giao tiếp, hoặc cộng tác lẫn nhau trong công việc. Nếu không có những sự kết nối mạnh mẽ trong nhóm, bạn nên xem xét thêm vào nhiều các hoạt động team building. Chúng mang đến cơ hội để các nhân viên của bạn làm quen và hiểu hơn về đồng nghiệp của mình ngoài những lúc căng thẳng trong văn phòng. Đồng thời cũng thể hiện cho thấy bạn đánh giá cao về những gì mà họ đã chăm chỉ cống hiến.

- Xác định thái độ từ những câu hỏi: Những câu hỏi đúng sẽ gợi ra những nhận thức giá trị nhất về văn hóa công ty. Thay vì hỏi trực tiếp về văn hóa, bạn hãy đặt câu hỏi về những thử thách và khó khăn phía trước của doanh nghiệp. Nếu sự tiêu cực xuất hiện trong những câu trả lời, bạn biết rằng đã đến lúc cần một sự thay đổi để xoa dịu “sóng ngầm”. Ngoài ra, một số chủ đề khác cũng có khả năng gợi ra cùng câu trả lời của toàn công ty, chúng có thể là cách thức xử lý một vấn đề, một thử thách cụ thể. Dưới đây là một vài câu hỏi bạn có thể đưa ra cho nhân viên của mình, được trích dẫn từ bài viết 29 câu hỏi quyền lực nên hỏi trong năm mới: Trong năm ngoái, có điều gì chưa ổn về công ty mà bạn quan tâm? Chúng ta đã học được gì từ những sai lầm đó? Doanh nghiệp của chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt trong 12 tháng tới? Chúng ta đã trải qua khoảnh khắc đột phá nào trong năm vừa rồi? Điều gì khiến công ty chúng ta đang bị trì hoãn? Mỗi cá nhân nhân viên có thể làm gì để trở nên hữu ích hơn cho nhóm?..

Văn hóa là thứ tác động đến mọi thứ trong công ty, từ năng suất làm việc, sự gắn kết nhân viên, cho đến khả năng giữ chân và phát triển. Mặc dù không có một tổ chức nào được thiết kế theo kiểu “văn hóa 101”, bạn nên đánh giá văn hóa doanh nghiệp mình một cách đều đặn để phát hiện ra những “trụ cột” trong việc hình thành và duy trì nét cá tính riêng của công ty. Chúc bạn thành công!

Trích sách “Văn hóa doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số" của nhà quản trị Mỹ - Shane Green, Nhà xuất bản Lao động, xuất bản tháng 5/2020.


  • 08/12/2022