Những quy định làm giảm hiệu suất làm việc của nhân viên

Xin chuyên gia cho biết những quy định cần lưu ý nếu không muốn làm giảm hiệu suất làm việc của nhân viên?

Phạm Bá Quang
22/11/2022

Trả lời

Bạn Phạm Bá Quang thân mến,

Có một số quy định của nhà quản lý khiến cho hiệu suất làm việc giảm đi đáng kể, cụ thể như sau:

Áp đặt các quy định mang tính bắt buộc quá đà: Nhiều môi trường làm việc thường áp dụng các quy định mang tính bắt buộc hơi có phần hà khắc, đặc biệt là về trang phục. Tuy nhiên, quy định về trang phục khi đi làm cũng phải có chừng mực và phù hợp với môi trường làm việc. Ví dụ, trong môi trường làm việc cần sự lịch sự, chỉn chu thì nhân viên cần ăn mặc đúng chuẩn. Còn trong môi trường làm việc có phần thoải mái, sáng tạo hơn hơn thì có thể tư duy mở cho nhân viên, tuy nhiên nó không được quá đà. Do đó, khi đưa ra những nguyên tắc về quy định mà gây ảnh hưởng đến quan điểm cá nhân của nhân viên thì nhà quản lý cần có sự cân nhắc. Cần phân tích tình hình, môi trường làm việc trước khi đưa ra quy định, thậm chí là cần thông qua ý kiến của nhân viên.

Cấm nhân viên vào mạng xã hội khi làm việc: Nhiều sếp đưa ra quan điểm khi làm việc cho nhân viên của mình là không được vào mạng xã hội khi làm việc như: Facebook, Zalo, Instagram… Nghe qua nguyên tắc này thì có phần hợp lý vì nó có thể ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Nhưng thực chất, quy định làm việc này sẽ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến nhân viên. Thực tế, việc nhân viên truy cập vào mạng xã hội trong giờ làm sẽ giúp họ cảm thấy thư giãn và dễ chịu hơn. Điều này sẽ giúp họ tái tạo năng lượng cho não bộ, từ đó tăng hiệu suất làm việc hiệu quả. Như vậy, việc truy cập vào mạng xã hội trong giờ làm không tạo ra hậu quả xấu như nhiều nhà quản lý vẫn thường nghĩ. Tuy nhiên, nhà quản lý cần kiểm soát kỹ càng việc nhân viên truy cập vào mạng xã hội để tránh tình trạng bị quá mức, gây ảnh hưởng đến hiệu suất công việc.

Đánh giá nhân viên theo cơ chế bắt buộc: Trong quá trình làm việc, sẽ có từng cơ chế đánh giá nhân viên riêng biệt và nhà quản lý sẽ dựa trên những cơ chế này để đánh giá xem nhân viên hoàn thành công việc tốt hay chưa tốt. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá, nhà quản lý lại thực hiện theo cơ chế bắt buộc, rập khuôn và không tính toán đến những yếu tố ngoại cảnh. Chính điều này khiến nhà quản lý không đánh giá được toàn bộ năng lực của nhân viên một cách chuẩn xác nhất, gây nên sự bất mãn trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, cũng chính vì sự đánh giá này mà nhân viên cảm thấy bản thân mình như một con số, thậm chí là gây nên những bất an, bất mãn khiến họ lựa chọn cách là nghỉ việc.

Do đó, nhà quản lý cần cân nhắc khi đưa ra đánh giá hiệu quả làm việc. Cụ thể, mọi bước đánh giá cần được thực hiện một cách nghiêm túc và khách quan, đặc biệt phải dựa trên những kết quả thực tế mà nhân viên đã đạt được.

Chúc bạn thành công!

Trích sách “Bản đồ tư duy công việc” do nhà tâm lý học Tony Buzan, NXB Thanh niên xuất bản tháng 10/2018.


  • 22/11/2022