Điện mặt trời mái nhà nổi lên như giải pháp cấp thiết tại Philippines

10:43, 22/05/2025

Trong bối cảnh giá điện tăng cao, tình trạng mất điện diễn ra thường xuyên và hệ thống điện quốc gia vẫn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch, người dân và doanh nghiệp Philippines ngày càng quan tâm đến các giải pháp năng lượng bền vững, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, những rào cản về chi phí đầu tư ban đầu cùng với bất cập trong cơ chế chính sách hiện hành vẫn đang cản trở quá trình khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có của loại hình năng lượng này.

Mặc dù có mức thu nhập trung bình thấp hơn gần bảy lần so với Singapore tại Đông Nam Á, người tiêu dùng Philippines vẫn đang phải chi trả tới 0,22 USD cho mỗi kWh điện – chỉ thấp hơn Singapore (0,24 USD/kWh) – và cao gần gấp đôi so với các quốc gia láng giềng như Thái Lan (0,14 USD), Indonesia (0,10 USD) hay Malaysia (0,03 USD).

Trong khi người dân Singapore được đảm bảo nguồn cung ổn định, thì tại Philippines, các hộ gia đình phải đối mặt với tình trạng mất điện xảy ra thường xuyên – trung bình 28 lần mỗi năm, phần lớn xuất phát từ sự cố tại các nhà máy điện than.

Điện mặt trời mái nhà giúp các hộ gia đình Philippines vừa giảm chi phí điện, vừa góp phần vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Tuy nhiên, việc triển khai còn hạn chế. Ảnh: Eco-business

Để đối phó, nhiều hộ dân và doanh nghiệp buộc phải sử dụng máy phát điện chạy bằng diesel với chi phí dao động từ 0,90 đến 1,26 USD/kWh – không chỉ tốn kém mà còn gây ô nhiễm môi trường đáng kể. Một số chuyên gia năng lượng nhận định rằng giá điện cao tại Philippines xuất phát từ cơ chế định giá hiện hành, theo đó các biến động của giá nhiên liệu và tỷ giá được chuyển trực tiếp vào biểu giá điện. Đồng thời, việc chậm trễ trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cũng khiến hệ thống điện tiếp tục phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Theo ông Ley Hua – Giám đốc quốc gia của SKYWORTH PV, doanh nghiệp năng lượng mặt trời có mặt tại Philippines hơn 14 năm – chi phí điện cao, cùng với hạ tầng lưới điện lạc hậu và thời tiết khắc nghiệt, đang khiến điện mặt trời mái nhà trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Dù chi phí công nghệ đã giảm đáng kể trên toàn cầu, việc triển khai điện mặt trời mái nhà tại Philippines vẫn còn chậm. Đến năm 2024, chỉ có khoảng 11.700 hộ dân trên toàn quốc đăng ký tham gia chương trình đo đếm điện mặt trời, một con số khá khiêm tốn nếu so với hơn 7,6 triệu khách hàng của công ty điện lực lớn nhất nước – Meralco.

Chi phí đầu tư đầu tư là lý do chính cản trở sự phát triển của điện mặt trời mái nhà ở thời điểm hiện tại. Một hệ thống điện mặt trời dân dụng phổ biến hiện có giá khoảng 100.000 peso (tương đương 1.700 USD), cao hơn một nửa thu nhập trung bình năm của người lao động có mức lương tối thiểu. Dù nhiều hộ gia đình quan tâm, chỉ 20% trong số này cho biết có kế hoạch thực hiện lắp đặt trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, quy trình cấp phép phức tạp, chính sách đo đếm điện chưa linh hoạt, và thiếu các hình thức tài chính thân thiện với người tiêu dùng cũng góp phần làm chậm tiến trình. “Việc tiếp cận kỹ thuật và hỗ trợ tài chính còn hạn chế – đặc biệt là với hộ gia đình hoặc doanh nghiệp nhỏ – vẫn là những rào cản lớn,” ông Rei Panaligan, Chủ tịch Trung tâm Năng lượng Tái tạo và Công nghệ Bền vững (CREST), nhận định.

Dù vậy, xu hướng đang dần thay đổi. Các doanh nghiệp như SKYWORTH PV cho biết họ đang mở rộng các sản phẩm dân dụng dễ lắp đặt, đi kèm các công cụ tính toán hiệu quả đầu tư dựa trên thực tế sử dụng của khách hàng. Một số thành phố tại Philippines cũng bắt đầu áp dụng chính sách ưu đãi thuế bất động sản cho hộ gia đình lắp điện mặt trời, trong khi các thiết bị nhập khẩu đã được miễn thuế theo Luật Năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa đồng đều. Ở các trung tâm đô thị như Thủ đô Manila, chi phí điện cao, ý thức môi trường và hạ tầng kỹ thuật tốt hơn khiến tốc độ triển khai nhanh hơn. Ngược lại, tại các khu vực nông thôn, hạn chế về nhân công, chi phí vận chuyển và thiếu các chương trình hỗ trợ tài chính vẫn là những bài toán chưa có lời giải.

Đại diện SKYWORTH PV cho biết công ty này đang tập trung phát triển các giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện của Philippines – từ biến tần lai tích hợp lưu trữ năng lượng cho hộ gia đình đến việc tổ chức các hội thảo giáo dục tài chính năng lượng – với kỳ vọng mở rộng quy mô sử dụng điện mặt trời tại các cộng đồng chưa được tiếp cận điện ổn định.

Theo các chuyên gia, để điện mặt trời mái nhà thực sự lan tỏa, Chính phủ Philippines cần có thêm chính sách hỗ trợ cụ thể và hiệu quả hơn – đặc biệt là cơ chế tài chính linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia. Nếu được triển khai đồng bộ, đây sẽ là giải pháp không chỉ giúp giảm hóa đơn tiền điện cho người dân, mà còn đóng góp thiết thực vào mục tiêu đạt 35% điện từ nguồn tái tạo vào năm 2030 và 50% vào năm 2050 mà quốc gia này đã đặt ra.


Nguyệt Hà (Theo Eco-business)

Share

EVN ký kết hiệp định vay có tổng giá trị 65 triệu EURO cho dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng

EVN ký kết hiệp định vay có tổng giá trị 65 triệu EURO cho dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng

Ngày 24/6/2025, tại thành phố Frankfurt (CHLB Đức), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký hiệp định vay vốn trị giá 65 triệu EUR với Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cho dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng. Đây là dự án đầu tiên mà KfW cho EVN vay theo hình thức vay trực tiếp, không có bảo lãnh của Chính phủ.


Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì họp về cung ứng điện 6 tháng cuối năm 2025, xây dựng kế hoạch cung ứng điện năm 2026

Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì họp về cung ứng điện 6 tháng cuối năm 2025, xây dựng kế hoạch cung ứng điện năm 2026

Sáng 24/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì họp về kế hoạch cung ứng điện 6 tháng cuối năm 2025 và xây dựng kế hoạch cung ứng điện năm 2026, thúc đẩy tiến độ các dự án nguồn, lưới điện trọng điểm.


2 máy biến áp siêu trọng dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đã 'tập kết' tại công trường

2 máy biến áp siêu trọng dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đã 'tập kết' tại công trường

Đến sáng 24/6, cả hai máy biến áp siêu trọng với khối lượng trên 200 tấn mỗi máy, đã được vận chuyển thành công đến công trường dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (tỉnh Hòa Bình) để triển khai lắp đặt. Đây là một cột mốc quan trọng tiếp theo trong giai đoạn dự án tăng tốc để “về đích”.


EVN quyết tâm làm tốt công tác di dời các công trình điện, góp phần đảm bảo tiến độ các công trình giao thông trọng điểm quốc gia

EVN quyết tâm làm tốt công tác di dời các công trình điện, góp phần đảm bảo tiến độ các công trình giao thông trọng điểm quốc gia

Ban chỉ đạo cung cấp điện nguồn và di dời công trình điện phục vụ đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm và quan trọng quốc gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã họp phiên 1, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến vào ngày 24/6. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc EVN, Trưởng ban chỉ đạo, nhấn mạnh Tập đoàn sẽ nỗ lực cao nhất, quyết tâm làm tốt công tác di dời các công trình điện, đảm bảo mặt bằng thi công, góp phần đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình.


EVNCPC chủ động đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng 2025

EVNCPC chủ động đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng 2025

Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài và phụ tải điện tăng cao, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện an toàn, liên tục, ổn định phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và các hoạt động kinh tế - xã hội tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.