Đầu tư năng lượng sạch trên toàn cầu lần đầu tiên vượt 2.000 tỉ đô la

09:12, 07/02/2025

Đầu tư cho năng lượng sạch trên toàn thế giới lần đầu tiên vượt 2.000 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024. Trong đó, Trung Quốc đầu tư lớn nhất, vượt tổng đầu tư của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh cộng lại.

Đầu tư vào quá trình chuyển tiếp sang năng lượng carbon thấp trên toàn thế giới tăng 11%, đạt mức kỷ lục 2,1 nghìn tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái, theo báo cáo thường niên của Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BNEF) công bố tuần trước.

Sự tăng trưởng được thúc đẩy nhờ đầu tư mạnh mẽ cho điện hóa giao thông, năng lượng tái tạo và lưới điện, tất cả đều đạt mức cao mới vào năm ngoái, cùng với đầu tư vào lưu trữ năng lượng. Trong khi tổng mức đầu tư vào công nghệ chuyển đổi năng lượng đạt kỷ lục mới, tốc độ tăng trưởng vẫn chậm hơn so với ba năm trước, khi mức đầu tư tăng vọt 24-29% mỗi năm.

Điện hóa giao thông vẫn là động lực đầu tư lớn nhất, đạt 757 tỉ đô la vào năm 2024. Con số này bao gồm chi tiêu cho ô tô điện, xe điện hai và ba bánh, xe điện thương mại, cơ sở hạ tầng sạc công cộng và xe chạy bằng pin nhiên liệu.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo đạt 728 tỉ đô la, gồm đầu tư vào năng lượng gió (cả trên bờ và ngoài khơi), năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh học, năng lượng từ sinh khối và chất thải, năng lượng biển (được tạo ra bởi sóng biển, thủy triều, độ mặn, và sự chênh lệch về nhiệt độ đại dương), địa nhiệt và thủy điện nhỏ. Cuối cùng, tổng đầu tư vào lưới điện trong năm ngoái lên tới 390 tỉ đô la, bao gồm đầu tư vào đường dây truyền tải và phân phối, thiết bị trạm biến áp và số hóa lưới điện.

Báo cáo của BNEF cũng chỉ ra sự khác biệt rõ rệt giữa đầu tư vào các lĩnh vực đã phát triển và mới nổi của nền kinh tế năng lượng sạch. Các công nghệ đã được chứng minh, có khả năng mở rộng về mặt thương mại và có mô hình kinh doanh vững chắc, như năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng, xe điện và lưới điện, chiếm phần lớn vốn đầu tư trong năm 2024. Các lĩnh vực này thu hút 1,93 nghìn tỉ đô la đầu tư, tăng 14,7% so với năm 2023, bất chấp các cản lực từ chính sách bất lợi, lãi suất cao và sức mua của người tiêu dùng chậm lại.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn cầu, bao gồm năng lượng gió và mặt trời đạt 728 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024, theo báo cáo của BNEF

Ngược lại, đầu tư vào các công nghệ mới nổi như hydrogen, thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), hạt nhân, công nghiệp sạch và vận tải biển sạch chỉ đạt 155 tỉ đô la, giảm 23% so với năm trước đó. Các yếu tố ngăn cản đầu tư gồm chi phí cao, độ trưởng thành về công nghệ và khả năng mở rộng thương mại.

BNEF ghi nhận, thị trường đầu tư năng lượng sạch lớn nhất là Trung Quốc đại lục. Riêng thị trường này chiếm tới 818 tỉ đô la đầu tư, tăng 20% ​​so với năm 2023. Tăng trưởng đầu tư năng lượng sạch của Trung Quốc tương đương với 2/3 tổng mức tăng toàn cầu trong năm 2024.

Trong khi đó, đầu tư năng lượng sạch trì trệ ở Mỹ, đạt 338 tỷ đô la, EU và Anh cũng giảm, lần lượt đạt 381 tỉ đô la và 65,3 tỉ đô la. Trong số các thị trường lớn được báo cáo, Ấn Độ và Canada cũng góp phần vào tăng trưởng chung toàn cầu khi tăng đầu tư năng lượng sạch lần lượt tăng 13% và 19% trong năm ngoái.

Báo cáo của BNEF cũng theo dõi đầu tư vào chuỗi cung ứng năng lượng sạch, bao gồm nhà máy sản xuất thiết bị và kim loại pin cho các công nghệ năng lượng sạch. Năm 2024, khía cạnh đầu tư này giảm nhẹ xuống còn 140 tỉ đô la nhưng dự kiến ​​tăng lên 164 tỉ đô la vào năm 2025. Khoảng 60% tổng vốn đầu tư vào chuỗi cung ứng năng lượng sạch trong năm ngoái chảy vào lĩnh vực pin vì các nhà máy sản xuất pin đặc biệt thâm dụng vốn.

Theo đó, các công ty công nghệ khí hậu trên toàn cầu huy động được 50,7 tỉ đô la từ vốn cổ phần tư nhân và vốn cổ phần đại chúng trong năm 2024. Con số này giảm 40% với cùng năm 2023 và đánh dấu năm thứ ba suy giảm. Các công ty năng lượng sạch và vận tải dẫn đầu hoạt động huy động vốn, với tổng số tiền là 31,8 tỉ đô la. Trong khi đó, lượng phát hành trái phiếu chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu đạt 1 nghìn tỉ đô la vào năm 2024, tăng 3% so với năm 2023.

BNEF ước tính, đầu tư vào chuyển đổi năng lượng toàn cầu cần đạt mức trung bình 5,6 nghìn tỉ đô la mỗi năm từ trong giai đoạn 2025-2030 để thế giới đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng carbon về zero (Net-Zero) vào năm 2050 theo Thỏa thuận Paris.

Theo Albert Cheung, Phó CEO của BNEF, báo cáo cho thấy mức tăng trưởng mạnh mẽ ​​trong quá trình chuyển đổi năng lượng trong vài năm qua, bất chấp tình hình chính trị bất ổn và lãi suất cao. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới nổi như khử carbon trong công nghiệp, hydrogen và thu giữ carbon để đạt được mục tiêu Net-Zero trên toàn cầu. Sự hợp tác thực sự giữa khu vực tư nhân và công là giải pháp duy nhất để khai thác tiềm năng của những công nghệ này.

Link gốc


Theo thesaigontimes.vn

Share

Tận dụng thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên

Tận dụng thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên

Ngày 27/3, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương kiểm tra tình hình thi công gói thầu số 1, 3, 4 thuộc dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên, đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Lãnh đạo EVN đặc biệt yêu cầu các nhà thầu phải tận dụng "thời gian vàng" với điều kiện thời tiết thuận lợi hiện nay để đẩy nhanh tiến độ dự án.


EVN cần sẵn sàng cho kịch bản tăng trưởng điện rất cao trong năm 2025

EVN cần sẵn sàng cho kịch bản tăng trưởng điện rất cao trong năm 2025

Ban chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện năm 2025 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) họp phiên thứ nhất vào chiều 27/3. Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn chủ trì cuộc họp.


Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ 21

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ 21

Ngày 27/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam lần thứ 21. Đồng chí Đặng Hoàng An, Ủy viên BCH Đảng bộ Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVN chủ trì hội nghị.


Gỡ vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Gỡ vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Ngày 26/3, tại TP Hòa Bình, lãnh đạo EVN làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Mục tiêu nhằm kịp thời đáp ứng tiến độ thi công, phấn đấu phát điện cả 2 tổ máy trong năm 2025.


Cảnh báo: Tái diễn văn bản giả mạo EVN để lừa đảo khách hàng

Cảnh báo: Tái diễn văn bản giả mạo EVN để lừa đảo khách hàng

Gần đây, tiếp tục xuất hiện văn bản giả mạo nhãn hiệu, con dấu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tập đoàn một lần nữa khuyến cáo quý khách hàng nâng cao tinh thần cảnh giác, không để kẻ gian lợi dụng.