Chuyển đổi số góp phần tăng cường vai trò của nữ giới

Đó là chủ đề ngày thứ ba của chương trình toạ đàm Chuyển dịch năng lượng công bằng, Chuyển đổi số và Bình đẳng giới do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức từ ngày 24 – 27/10.

Ngày thứ 3 của sự kiện, các chuyên gia đã chia sẻ ý kiến về một số nội dung như: vấn đề giới ở Việt Nam trong môi trường làm việc và trong ngành năng lượng; thực tiễn tốt về tăng cường sự tham gia của phụ nữ và bình đẳng giới tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam; mạng lưới phụ nữ trong ngành năng lượng nhìn từ góc độ quốc tế,...

Chia sẻ về vấn đề giới ở Việt Nam trong môi trường làm việc và trong ngành năng lượng, ông Lê Quang Bình - Giám đốc ECUE đã chỉ ra một số nguyên nhân chia cắt giới như: phụ nữ vẫn tiếp tục gánh vác trách nhiệm gia đình khiến họ bị giới hạn trong lựa chọn loại công việc; sự phân biệt giới tính khiến nữ giới bị loại ra khỏi những lĩnh vực thuộc chuyên môn nam giới; người lao động thường ưu tiên những người cùng giới tính trong một nhóm làm việc; văn hoá định giới tại nơi làm việc quá mạnh khiến nam và nữ khó có thể xâm nhập vào lãnh thổ công việc của giới kia, hay một số nguyên nhân khác như "việc của phụ nữ" được trả công thấp hơn,...

Tại buổi toạ đàm, đại diện Ban vì sự tiến bộ phụ nữ EVN đã chia sẻ về thực tiễn tốt về tăng cường sự tham gia của phụ nữ và bình đẳng giới tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cụ thể như: EVN đã và đang đặt chỉ tiêu cụ thể về quản lý nữ, gắn với việc đánh giá hiệu quả của lãnh đạo các cấp; tăng cường các chương trình đào tạo, áp dụng các hình thức học trực tuyến và E-learning.

Bên cạnh đó, EVN đã triển khai công tác truyền thông, các buổi toạ đàm, đào tạo về bình đẳng giới; vấn đề giới trong quản lý đối với lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo nữ tiềm năng. Ngoài ra, EVN đã thực hiện phân tích công bằng theo giới tính và tác động của các quyền lợi; cải thiện chăm sóc sức khoẻ cho CBNV với các hoạt động phù hợp cho cả nam và nữ; duy trì cuộc thi “Phụ nữ EVN sáng tạo” 2 năm một lần ở cấp EVN và hằng năm ở các công ty công ty con và đơn vị trực thuộc,...

Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu tham dự đã lập nhóm thảo luận và chia sẻ trải nghiệm thực tế về những vấn đề về giới trong ngành năng lượng.

Các đại biểu tham dự lập nhóm thảo luận và chia sẻ trải nghiệm thực tế về những vấn đề về giới trong ngành năng lượng.

Đặc biệt, các đại biểu tham gia chương trình đã được giới thiệu về ý tưởng thành lập và lời mời tham gia "Mạng lưới Phụ nữ trong ngành Năng lượng tại Việt Nam". Mạng lưới được thành lập nhằm tăng cường cơ hội gặp gỡ, kết nối những phụ nữ đang làm việc trong ngành năng lượng tại Việt Nam; nâng cao hình ảnh và vai trò của phụ nữ trong ngành năng lượng cũng như tăng cường tiếng nói của phụ nữ trong quá trình ra quyết định liên quan đến các chính sách về chuyển dịch năng lượng công bằng tại Việt Nam.

Đối tượng tham gia mạng lưới là những phụ nữ đang làm việc trong ngành năng lượng tại Việt Nam; các giảng viên, sinh viên nữ chuyên ngành kĩ thuật về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; các nhà hoạch định chính sách và các cán bộ thuộc các giới khác nhau đến từ những đơn vị, tổ chức đã và đang góp phần nâng cao quyền lợi, vị thế của phụ nữ và bình đẳng giới trong ngành năng lượng tại Việt Nam.

Toạ đàm "chia sẻ những câu chuyện của Phụ nữ ngành năng lượng và đóng góp ý tưởng cho việc thành lập Mạng lưới Phụ nữ trong ngành năng lượng".

Tọa đàm của GIZ và EVN phối hợp tổ chức là cơ hội để các bên có thể trao đổi, nắm bắt các xu hướng mới về chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số cũng như các hoạt động về bình đẳng giới trong ngành năng lượng tại Việt Nam và trên thế giới


  • 26/10/2022 08:44
  • Thanh Huyền
  • 2238