Bảo vệ ví tiền khi sống cùng đồng nghiệp “tiêu hoang”

Mỗi người có một hoàn cảnh sống và kế hoạch tài chính khác nhau. Tuy thế, chúng ta thường chịu ảnh hưởng không nhỏ từ phía đồng nghiệp trong việc chi tiêu và quản lý tài chính.

Cùng làm việc ở văn phòng, đôi khi còn có chung sở thích là những lý do khiến việc chi tiêu cá nhân thường bị ảnh hưởng từ đồng nghiệp. Đồng nghiệp với những lời rủ rê mua chung thứ này thứ khác hoặc đồng nghiệp với lời mời gọi cho một cuộc vui hấp dẫn. Có muôn vàn lý do khiến hàng ngày chúng ta vẫn móc hầu bao ra chi tiêu cùng với đồng nghiệp. Thậm chí có khi là mua đồ để ngang bằng với đồng nghiệp. Tuy thế mỗi người có một hoàn cảnh sống và kế hoạch tài chính khác nhau. Có người ít gánh nặng tài chính và họ chi tiêu phóng khoáng hơn, nếu bạn sa đà vào việc chi tiêu theo đồng nghiệp có thể trở thành một rắc rối tài chính cá nhân mà bạn không thể thoát ra được. Dưới đây là một vài ghi nhớ giúp bạn kiểm soát tình trạng hàng tháng “phá sản” khi sống cùng đồng nghiệp tiêu hoang:

Có kế hoạch tài chính cá nhân chi tiết

Cách tốt nhất để kiểm soát nguồn tiền của bạn là tập cho bản thân thói quen xây dựng kế hoạch chi tiêu. Bạn cần hoạch định những khoản chi cố định hàng tháng (ví dụ: tiền nhà, tiền ăn, tiền xăng xe, đám cưới…). Mỗi khoản bạn dự tính chi bao nhiêu và hạn chế mức độ chi chỉ trong khoảng tiền đó. Ghi chép lại những khoản chi hàng ngày là một thói quen tốt, nó cho bạn thấy những sơ hở trong kế hoạch tài chính và những khoản bị lạm chi để điều chỉnh tức thời. Bám sát kế hoạch tài chính sẽ giúp bạn hạn chế sự bốc đồng trước những lời rủ rê vui chơi hoặc mua sắm từ đồng nghiệp.

Giữ lượng tiền mặt vừa phải

Hiện giờ thẻ ATM được sử dụng khá phổ biến nhưng thói quen tiêu dùng chính ở Việt Nam vẫn là bằng tiền mặt. Nên nếu bạn giữ tiền của mình trong thẻ ATM, hàng ngày chỉ đem theo một lượng tiền mặt nhỏ đủ chi tiêu lặt vặt sẽ giúp bạn hạn chế những khoản tiêu xài vượt quá khả năng.

Nhận biết sự khác biệt về hoàn cảnh cá nhân

Đôi khi bạn dễ dàng tặc lưỡi mua một món đồ đắt tiền xa xỉ chỉ vì đồng nghiệp cũng mua món đồ đó. Lý do rất đơn giản, mức lương của bạn với đồng nghiệp có thể bằng hoặc tương đương nhau. Bạn dễ dàng nghĩ rằng có cùng mức thu nhập thì mức chi tiêu cũng giống nhau. Thực tế không phải vậy, rất có thể đồng nghiệp của bạn có thêm nhiều nguồn thu khác ngoài lương. Hoặc đơn giản là hoàn cảnh gia đình của đồng nghiệp không tạo thêm trách nhiệm tài chính nào. Chính vì vậy hãy cố gắng nhận biết và ghi nhớ hoàn cảnh cá nhân của mình sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn trước những cuộc vui tiêu xài mà đồng nghiệp đề ra.

Từ chối thẳng thắn với những đề nghị tốn kém

Làm việc cùng nhau bạn không thể tránh khỏi những vụ tụ tập tốn kém do đồng nghiệp đề ra. Tuy nhiên nếu việc này tiếp diễn liên tục sẽ khiến bạn mất kiểm soát trong chi tiêu. Khi được đề nghị tham gia một cuộc vui mà bạn cảm thấy mức chi tiêu không hợp lý. Hãy thẳng thắn từ chối, có thể bằng một câu nói đùa nhưng mang hàm ý sự thật giúp giải thoát cho bạn. Ví dụ như “tháng này đã quá cháy túi cho những bữa tiệc tùng rồi, đợi nhận lương đã nhé”. Hoặc “vừa phải đóng học cho con nên giờ nghèo xơ xác”… Có rất nhiều cách nói khéo léo để đồng nghiệp nhận ra bạn còn nhiều vấn đề về tiền bạc không thể dễ dàng hòa nhập với mức chi tiêu của họ. Việc này cũng giúp bạn hạn chế những lời rủ rê tiêu xài hơn.


  • 16/09/2016 03:21
  • Sưu tầm
  • 1268