Nguyễn Phương Anh, Giám đốc tiếp thị Google châu Á Thái Bình Dương phụ trách thị trường Việt Nam, đã có bài chia sẻ với khán giả là sinh viên, nhà khởi nghiệp tại hội chợ khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ - Saigon Tech Startup Fest – tổ chức hôm 12/3 tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM).
Như những diễn giả khác, bài nói chuyện của nữ giám đốc tại Google được trình bày bằng tiếng Anh, mặc dù cô nói rằng cô có thể nói tiếng Việt, nhưng môi trường startup hiện nay cần những người có thể sử dụng tốt tiếng Anh nên cô nói bằng ngôn ngữ toàn cầu này.
Nguyễn Phương Anh, Giám đốc tiếp thị Google phụ trách thị trường Việt Nam, tại buổi hội nghị hôm 12/3.
|
Mở đầu bài trình bày, Phương Anh cho biết cô được nhận vào Google mà không phải là một người quá am hiểu về công nghệ. Vì Google để cao sự khác biệt của mỗi nhân viên, đồng thời đánh giá cao thái độ và cách suy nghĩ về các vấn đề của nhân viên.
Phương Anh mở một đoạn video clip quay lại cảnh làm việc của các nhân viên tại Google, cho thấy sự đa dạng trong chủng tộc, giới tính, và cách suy nghĩ vượt giới hạn của những người này.
Trong clip, nhiều phụ nữ, nam giới, nhiều màu da đang làm việc với các dự án của mình, có người nói muốn làm điều khác biệt, có phụ nữ thì đang thích thú với chiếc xe tự lái của mình, có người nói về tham vọng làm sao để mang internet cho 5 tỷ người trên hành tinh, có phụ nữ ước muốn mọi người trên trái đất đều nói được bất kỳ ngôn ngữ nào…
Phương Anh kết luận, cô thích nhất một câu nói mở đầu video, rằng Google là một tập hợp những đứa trẻ (a bunch of kids). Ví dụ, Google đã bắt đầu từ một văn phòng đặt trong garage nhà một người bạn của hai nhà sáng lập.
“Nếu bạn và hai người sáng lập hiện đang ngồi ở nhà, trong một căn phòng nhỏ để viết code thì điều này có thể làm nên chuyện trong một ngày nào đó. Mọi thứ bắt đầu từ nhỏ nhặt và khiêm tốn không có nghĩa là bạn không thể tạo ra thứ gì đó lớn lao”, Phương Anh nói.
Với kinh nghiệm của mình, nữ giám đốc tiếp thị tại công ty tìm kiếm lớn nhất thế giới đã đúc kết 3 điều cần thiết có thể giúp bạn trẻ trên con đường sự nghiệp.
Một là, phải nắm lấy thách thức và tạo sự khác biệt. “Dù nó là sản phẩm gì đi chăng nữa, vấn đề là bạn có làm nó khác biệt hay không. Nó có làm thay đổi cộng đồng hay không, không cần thiết là cả khu vực Đông Nam Á, hay châu Á Thái Bình Dương, mà có thể chỉ là một thành phố ở Việt Nam”, cô nói.
“Làm gì đó khác biệt có thể làm bạn sợ hãi lúc đầu, nhưng chắc chắn bạn sẽ được đi trên con đường chưa ai từng đi”. Phương Anh dẫn một ví dụ mà cô nói rất tâm đắc chính là sự kiện Columbus phát hiện ra châu Mỹ vào những năm 1400. Phương Anh cho rằng nếu Columbus không có khát khao đi tìm con đường tốt nhất để đến Ấn Độ thì họ đã không khám phá ra châu Mỹ.
Cô cho biết những người làm startup thời điểm này cũng giống như những nhà khám phá thời xưa. “Bạn đi ra biển và không biết đi điều gì sẽ xảy đến với mình, những cơn giông bão, sóng thần… bạn có thể muốn quay trở lại, hay có thể bị chìm, nhưng dĩ nhiên bạn cũng có thể làm được những thứ lớn lao chưa ai từng làm được”.
Yếu tố thứ hai Phương Anh chia sẻ với bạn trẻ, là làm được những thứ thú vị mà mình thích. Những người thành công hiện nay đều đã phải chọn giữa một công việc được trả lương cao và ổn định, với một công việc khác khó khăn hơn một chút nhưng ảnh hưởng mà nó tạo ra là đủ lớn, và những gì họ có thể học là rất giá trị cho con đường sự nghiệp của họ.
Điều cuối cùng và rất quan trọng là biết cách đặt câu hỏi, Phương Anh cam đoan. “Trong khoảng 5 năm làm việc ở Việt Nam, tôi nhận ra rằng mọi người không thích đặt câu hỏi. Họ được bảo gì làm nấy, không ai hỏi lại tôi rằng cách làm này có đúng không, làm sao để có cách làm tốt nhất. Ví dụ để giải quyết vấn đề tai nạn giao thông, ngoài các cách làm hiện nay thì còn cách làm nào tốt hơn không? Nếu bạn không biết cách đặt câu hỏi cho các vấn đề, mọi thứ sẽ không thể tiến lên”.
Ví dụ Google từng đặt ra câu hỏi rằng, giữa vô vàn thông tin trên mạng, làm sao để giúp người dùng tìm thấy và dễ tiếp cận những thông tin đó. Và đó là lý do bộ máy tìm kiếm của Google ra đời, Phương Anh cho biết. Hay như Sundar Pichai - CEO Google - cũng từng tự hỏi, liệu trong tương lai con người có sẽ tiếp tục lên Google.com để tìm kiếm hay không. Đó là lý do tính năng tìm kiếm ngay trên phần gõ địa chỉ của trình duyệt ra đời để người dùng có thể tìm thông tin ngay tức khắc, mà không cần vào Google.com. Và để trả lời cho câu hỏi làm sao việc tìm kiếm tốt hơn nữa trên di động, thì hiện nay các smartphone Android đã có widget để tìm kiếm ngay tức khắc mà không cần vào trình duyệt.
Hoặc để trả lời câu hỏi làm sao để đi từ điểm A đến điểm B ngắn nhất, Phương Anh cho biết, Google Maps đã ra đời. Và hàng loạt sản phẩm khác của Google cũng ra đời từ việc trả lời những câu hỏi tương tự như vậy.
Phương Anh cho rằng, tại Google, các câu hỏi luôn được đặt ra, và mọi người tìm cách giải quyết vấn đề. Đó chính là cách Google đã được tạo ra.