Ý tưởng “độc” sử dụng năng lượng mặt trời

Những ý tưởng độc đáo, thú vị này cho ta thấy sự kỳ diệu của khoa học, khả năng ứng dụng không giới hạn của nguồn năng lượng mặt trời (NLMT)...

Cấy pin NLMT dưới da người

Lần đầu tiên trên thế giới, các nhà nghiên cứu đã thí nghiệm thành công khả năng cấy pin năng lượng mặt trời dưới da, cấp điện cho các thiết bị cấy ghép trong cơ thể người. Trưởng nhóm nghiên cứu Luksa Bereuter - thuộc Bệnh viện Trường Đại học Bern, Thụy Sĩ cho biết, loại pin NLMT này có diện tích chỉ 3,6 cm2, đủ nhỏ để có thể cấy ghép vào cơ thể người khi cần. Về nguyên lý, pin quang năng sẽ biến đổi ánh sáng mặt trời thẩm thấu qua da thành năng lượng cung cấp cho máy điều hòa nhịp tim.

Thành công này đã mở ra hy vọng cho các bệnh nhân đang sử dụng các thiết bị y tế cấy ghép. Hiện nay, việc thay pin hoặc thay toàn bộ thiết bị cấy ghép y tế (như máy điều hòa nhịp tim) thường bắt buộc bệnh nhân phải trải qua phẫu thuật đau đớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro và tốn kém. Việc sử dụng pin NLMT mini cấy dưới da có thể giúp các bệnh nhân tránh được các phẫu thuật này, đồng thời, có thể thu nhỏ máy điều hòa nhịp tim, do không cần sử dụng bộ phận nạp pin cồng kềnh của thiết bị này.

Trưởng nhóm nghiên cứu Luksa Bereuter cho biết, ngoài máy điều hòa nhịp tim, thiết bị mới cũng có thể sử dụng cho các loại máy khác cấy vào cơ thể con người, miễn là bảo đảm các yếu tố phù hợp như, hiệu quả biến đổi ánh sáng mặt trời thành điện năng, diện tích pin, vị trí cấy ghép, độ dày của da bệnh nhân...

Các sợi năng lượng mặt trời được dệt cùng các sợi vải - Ảnh: Nguồn Internet.

Sợi năng lượng mặt trời

Một loại sợi mỏng, mềm dẻo có thể thu nhận, chuyển hóa và lưu trữ NLMT đã được Phó Giáo sư Jayan Thomas – một chuyên gia công nghệ nano và các cộng sự tại Trung tâm Công nghệ Khoa học nano thuộc Trường Đại học Central Florida, Mỹ chế tạo thành công.

Điều thú vị là, ý tưởng sản xuất loại sợi này được Phó Giáo sư Jayan Thomas và các cộng sự lấy cảm hứng từ bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng “Trở lại tương lai”- phần II (Back to the future II, năm 1989) của điện ảnh Mỹ.

Loại sợi đặc biệt này có một mặt tích hợp pin quang năng, mặt còn lại được phủ vật liệu tích trữ năng lượng. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một khung dệt nhỏ, dệt các sợi này thành ô vải. Kết quả cho thấy, các sợi NLMT có thể được đan vào áo khoác hoặc các trang phục khác để thu gom ánh sáng, từ đó biến thành điện năng.

Việc chế tạo thành công loại sợi này đã mở ra tiềm năng phát triển mới cho ngành công nghiệp NLMT. Khác với những tấm pin quang năng cồng kềnh, phải lắp đặt cố định, không có khả năng di động, giờ đây, với công nghệ sản xuất loại sợi đặc biệt, NLMT có thể phục vụ nhu cầu đa dạng của con người như, cung cấp năng lượng cho các thiết bị cảm biến hỗ trợ sức khỏe cá nhân, sạc điện thoại thông minh (chỉ cần cho điện thoại vào túi áo)...

Loại sợi này cũng có thể phục vụ trong lĩnh vực quân sự. Những người lính chỉ cần mặc áo được dệt bằng loại sợi NLMT trong khi hành quân là có thể thu và tích trữ điện năng cho các thiết bị quân sự, thay vì phải mang vác các thiết bị với những hộp ắc quy điện cồng kềnh, nặng nhọc. Sợi NLMT này cũng được đánh giá cao về khả năng ứng dụng sản xuất loại xe điện có thể thu được năng lượng điện ngay khi đang chạy trên đường.


  • 08/03/2017 03:37
  • Theo: Chuyên đề Thế giới điện
  • 2955