Xe dùng năng lượng mặt trời sạc pin cho điện thoại di động

Henri Nyakarundi - một doanh nhân trẻ Cộng hòa Rwanda, đã nghiên cứu chế tạo thành công xe năng lượng mặt trời, sạc tối đa 80 điện thoại di động một lúc

Henri Nyakarudi, người sáng tạo ra chiếc xe đẩy năng lượng mặt trời sạc điện thoại - Ảnh: Nguồn Internet.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, ước tính 70% dân số Cộng hòa Rwanda được trang bị ĐTDĐ, nhưng chỉ có 18% trong số đó được sử dụng điện lưới quốc gia. Việc thiếu điện đã gây khó khăn cho nhiều khách hàng sử dụng ĐTDĐ. Bên cạnh đó, còn một vấn đề khác mà người dân nông thôn Rwanda phải đối mặt, đó là nạn thất nghiệp.

Với hy vọng giải quyết cả hai vấn đề trên, Henri Nyakarundi, một doanh nhân trẻ Rwanda, đã tạo ra mẫu xe đẩy năng lượng mặt trời sạc pin cho ĐTDĐ, một công cụ giúp cho cuộc sống của người dân Rwanda trở nên dễ chịu hơn, đồng thời cũng tạo ra việc làm cho nhiều người dân thất nghiệp.

Xe đẩy chạy bằng năng lượng mặt trời rất nhỏ gọn. Cấu tạo hệt như một chiếc xe đạp, dễ dàng di chuyển. Xe sử dụng 2 cục pin ô tô, khi một cục đang sử dụng, cục còn lại sẽ được sạc từ các tấm pin năng lượng mặt trời đặt trên xe.

"Trong điều kiện bình thường, xe có thể hoạt động độc lập trong 8 giờ chỉ với một cục pin. Trên xe, gắn một ki-ốt sử dụng năng lượng mặt trời, có thể cung cấp điện để sạc đồng thời 80 ĐTDĐ" - doanh nhân Nyakarundi cho biết.

Sau 4 năm thử nghiệm, đến nay đã có 250 ki-ốt hoạt động. Các nhà cung cấp, những người sử dụng các ki-ốt có doanh thu từ 38 - 107 USD/tháng, đủ để trang trải tiền thuê nhà và chi phí ăn uống cho cả gia đình.

Nyakarundi cho biết: “Chúng tôi đang phát triển mẫu mới và sẽ cho ra mắt thị trường vào mùa thu năm 2017, mang đến cơ hội doanh thu lớn hơn cho các đại lý và người chạy ki-ốt. Đó là các xe đẩy “smart kiot” (ki-ốt thông minh) cung cấp Wifi, Internet và dữ liệu”. ARED đang chuyển hướng từ một ki-ốt cơ bản sang hoạt động theo dạng công ty công nghệ. “Nhiều người không sử dụng hết chức năng smartphone vì họ không đủ tiền trả Internet, nên tại sao không tạo ra mạng internet riêng trên ki-ốt phục vụ cộng đồng?” – Nyakarundi chia sẻ.

Cùng với việc bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo xe đẩy hữu ích này, Nyakarundi còn  thành lập Công ty Công nghệ ARED, vận hành theo nguyên tắc chuyển giao công nghệ. ARED cho người dân Rwanda thuê xe đẩy làm dịch vụ kiếm tiền từ việc sạc điện thoại thuê hay bán các dịch vụ kèm theo như thẻ điện thoại, hỗ trợ thanh toán qua di động... 


  • 15/02/2017 08:58
  • Theo: Chuyên đề Thế giới điện
  • 2038