Thầy trò cùng thực hành tiết kiệm

Tận dụng những phế phẩm bỏ đi và biến chúng thành đồ chơi mầm non rất đẹp, hướng dẫn trẻ không xài phí điện, nước... là việc làm thường xuyên của tập thể giáo viên Trường Mầm non Tuổi Xanh 1 (xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long). Theo cô Hiệu trưởng Trịnh Thị Thủy, đây là một trong những cách thực hành tiết kiệm theo lời dạy của Bác.

Tận dụng phế liệu làm đồ chơi

Vào thăm lớp Lá 3 Trường Mầm non Tuổi Xanh 1, chúng tôi thật thích thú bởi không gian lớp học rất sống động với nhiều đồ chơi “bắt mắt”, ngộ nghĩnh do các cô giáo tự làm. Góc nấu ăn với các bộ nồi, ấm, ly đa dạng kiểu mẫu, còn kia là gian hàng mua bán với đủ loại hoa, quả, giày dép, túi xách... tất cả đều được làm từ phế liệu.

Cùng nhóm bạn chơi trò mua bán, bé Võ Ngọc Kim Ngân thích thú khi được cầm chiếc túi xách màu xanh lá cây. “Túi xách do cô con làm nè, đẹp lắm. Vô lớp được chơi đủ thứ đồ chơi, con rất thích”- Ngân hí hửng nói.

Hướng về vườn hoa rực rỡ sắc màu, cô Trần Thị Thanh Thảo cho biết đây chính là đồ chơi được làm từ vảy cá.

Cô nói: “Dễ tìm, dễ làm, hiệu quả lại an toàn nữa. Mình nhặt thu lượm và tận dụng những nguyên phế liệu sẵn có trong gia đình và sinh hoạt hàng ngày như: bìa cứng, hũ sữa chua, ống hút, vỏ cau, vỏ cây, trái mù u... rửa sạch, sơn màu rồi tạo dáng thành đồ chơi hay đồ dùng dạy học”.

Theo cô, trẻ mầm non “học mà chơi, chơi mà học”. Chính vì vậy, giáo viên mầm non phải luôn sáng tạo nhiều đồ chơi, phù hợp với nội dung bài dạy, phù hợp với các tình huống giáo dục.

Những thứ tưởng chừng như bỏ đi trong sinh hoạt hàng ngày được cô Nguyễn Thị Hồng Thắm xử lý cẩn thận, xếp vào hộp hoặc cho vào túi nilon.

Với đôi tay khéo léo cùng sự sáng tạo, cô Thắm làm ra những món đồ chơi, đồ dùng dạy học vui mắt như bắp cải làm bằng vỏ sò, bông hoa làm từ trái cau, ti vi làm bằng vỏ hộp viết chì… “Tất cả đều phục vụ thiết thực cho việc dạy học và tổ chức các hoạt động vui chơi của trẻ. Ngoài ra, còn tiết kiệm chi phí cho trường nữa”- cô Thắm chia sẻ.

Theo cô, khi sử dụng các đồ dùng tự làm vào các tiết dạy sẽ làm cho các tiết dạy chất lượng, giờ học sẽ sôi động hẳn, trẻ hứng thú nhiều. Đặc biệt, học và chơi với những sản phẩm này còn giáo dục cho trẻ ý thức bảo vệ môi trường, chống lãng phí và biết giữ gìn những đồ dùng, đồ chơi mà các cô đã vất vả làm ra.

Từ việc làm của giáo viên, nhiều trẻ cũng “bắt chước” theo. Vỏ chai, hộp sữa, ống hút... sau khi sử dụng là các em liền đem đến cho cô giáo. Nhiều em còn về xin cha mẹ mang phế liệu vào trường cho cô làm đồ chơi.

Tiết kiệm từ những việc nhỏ nhất

“Hãy tiết kiệm điện, nước” là dòng chữ kèm theo các tranh ảnh được dán cạnh vòi rửa tay, đường lên cầu thang hay phòng vệ sinh... Đó là hình ảnh sinh động được giáo viên và các em nhỏ cùng làm với mong muốn “thầy trò cùng chung tay thực hành tiết kiệm”.

Cô Thủy cho biết: Giáo dục tính tiết kiệm cho các em, giáo viên còn tìm kiếm những hình ảnh trực quan sinh động như những cánh đồng thiếu nước nứt nẻ, những dòng kinh nước đen ô nhiễm...

Không chỉ vậy, các cô còn là tấm gương tiết kiệm để các cháu noi theo. Giấy sử dụng hai mặt thay vì bỏ đi, các cô dùng để xếp đồ chơi. Khi thiết kế dụng cụ dạy học, các cô cũng sử dụng nhiều sản phẩm tái chế hay tắt quạt, tắt đèn khi ra khỏi phòng... Những việc làm tuy nhỏ nhưng mang lợi ích thiết thực.

Mỗi ngày cô Phan Hồ Diễm Trinh thường ôn lại những cách tiết kiệm nước cho học trò. Cô hỏi: “Khi rửa tay các con phải dùng nước như thế nào?”

Các bé cùng đồng thanh: “Thưa cô, phải mở nước nhỏ vừa đủ rửa, đừng mở nước lớn quá”. “Vậy khi uống nước, các con phải làm sao?”. Tiếng trẻ thơ nhanh nhảu: “Thưa cô, rót nước vừa đủ uống, đừng rót đầy ly uống không hết”.

Cô cho hay: Nhiều bé còn biết nhắc nhở bạn trong việc tiết kiệm nước, biết giúp khi bạn quên khóa nước. Thậm chí nhiều bé khi về nhà còn nói lại với cha mẹ về bài học tiết kiệm được học ở trường.

Tận dụng phế liệu làm đồ dùng dạy học không chỉ tiết kiệm hàng chục triệu đồng/năm, nhiều giáo viên của trường còn đạt được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tạo Trần Đại Nghĩa, thi đồ dùng dạy học cấp tỉnh.

“Dạy cho các trẻ biết làm những việc nhỏ cũng chính là bài học mỗi ngày bản thân tôi phải học, bởi các cháu thấy cô làm, mới làm theo”- cô Trinh nói.

Giờ đây, không chỉ giáo viên mà các em nhỏ cũng tham gia thực hành tiết kiệm. Cùng các bạn rửa tay trước giờ ăn trưa, bé Võ Thị Thiên Hương nhắc bạn: “Bạn ơi, cô dạy mở nước nhỏ thôi. Rửa xong nhớ đóng nước lại liền nghe”.

Tiết kiệm điện, nước, thu phế liệu làm đồ dùng dạy học, là những chuyện “nhỏ nhưng không nhỏ”. Bởi theo cô Thủy, việc làm này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà giá trị lớn hơn chính là hình thành cho trẻ thói quen tiết kiệm hợp lý.

“Trẻ thơ giống như một tờ giấy trắng, việc chúng ta dạy trẻ những gì và thực hiện như thế nào sẽ góp phần định hướng và tạo nên nhân cách cho trẻ”- cô Thủy chia sẻ.


  • 26/10/2016 09:37
  • Theo baovinhlong.com.vn
  • 2525