Khối tư nhân đóng vai trò quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân tại diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) lần thứ IV với chủ đề “Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức phát triển bền vững” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 10/10 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng: Khối tư nhân ở đây vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai nội dung kế hoạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Khối tư nhân hiện đóng vai trò quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững - Ảnh: Ng.Tuấn.

Ngoài ra, với các giải pháp, lĩnh vực ưu tiên xác định trong thực hiện Kế hoạch Paris và cam kết Thoả thuận đề ra cách tiếp cận và quy định về Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) tại Việt Nam, nhiều cơ hội cũng được tạo ra cho khối tư nhân, đó là các cơ hội cho nghiên cứu, sáng tạo và đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng cũng cho biết, hiện nay, các Bộ, ngành và địa phương đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch Paris; đồng thời, thúc đẩy triển khai Chiến lược biến đổi khí hậu, Tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng.

Để tạo ra những chuyển biến tích cực, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, khối tư nhân trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và thông qua các cơ chế chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mẫu hình sản xuất; tận dụng cơ hội chuyển giao công nghệ, hướng đến phát thải các-bon thấp, trong thời gian từ nay tới năm 2020 và định hướng cho giai đoạn 2021-2030, các doanh nghiệp cần chú trọng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như:  

Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo hệ thống chính sách và pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, nhất quán; tăng cường sự tham gia của các Bên, trong đó chú trọng thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; đặt khối tư nhân xứng tầm với vai trò, thế mạnh để đề ra các giải pháp phù hợp. Đồng thời, xác định các ưu tiên trong thích ứng và giảm nhẹ vừa là giải pháp, vừa tạo ra cơ hội, hình thành động lực thu hút sự tham gia của khối tư nhân trong các lĩnh vực quan trọng, có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới thực hiện đầy đủ các cam kết nêu trong NDC và Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Cần có chính sách, giải pháp phù hợp khuyến khích sự tham gia từ khu vực tư nhân trong nghiên cứu, áp dụng và đầu tư cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế ít phát thải các-bon, thân thiện với môi trường; hạn chế các dự án sử dụng năng lượng hoá thạch, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực năng lượng và thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của khối tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong việc rà soát, cập nhật NDC, xây dựng Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu các cấp…

Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và quốc tế như Bảo Việt, Heineken, Coca-Cola, SCG, Pepsico và Vingroup đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học thực tế cũng như các thông lệ tốt tại doanh nghiệp trong việc thực hiện các sáng kiến, triển khai những mô hình kinh doanh mới hướng đến phát triển bền vững.

Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam là dịp để các nhà điều hành doanh nghiệp trực tiếp đối thoại với lãnh đạo Chính phủ, qua đó giúp tăng cường hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.


  • 11/10/2017 10:31
  • Ngọc Tuấn
  • 2197