Ứng dụng lý thuyết thống kê và hệ thống đo xa trong xây dựng biểu đồ phụ tải điện

Thạc sỹ Huỳnh Thảo Nguyên, công tác tại Phòng Kinh doanh - Công ty Điện lực Đà Nẵng đã đoạt giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2015 với Đề tài: “Ứng dụng lý thuyết thống kê và hệ thống đo xa trong xây dựng biểu đồ phụ tải tại Công ty Điện lực Đà Nẵng”. BBT xin giới thiệu tóm tắt nội dung này.

1. Xuất xứ đề tài: 

Trong hệ thống điện, phụ tải có quy luật hoạt động giống nhau gọi là thành phần phụ tải. Mỗi thành phần phụ tải có thể chia thành nhiều nhóm khác nhau. Mục tiêu của Đề tài là nghiên cứu  xây dựng biểu đồ phụ tải các thành phần, nhóm phụ tải dựa trên cơ sở lý thuyết xác suất và thống kê. 

2. Tóm tắt nội dung 

Đề tài:
-  Đề tài đã ứng dụng lý thuyết xác suất và thống kê để ước lượng công suất nhóm phụ tải, thành phần phụ tải và phụ tải tổng của hệ thống điện. Đây là phương pháp đầu tiên được nghiên cứu tại Việt Nam.

- Xây dựng được chương trình Microsoft Access để nghiên cứu phụ tải từ hệ thống đo xa. (hình 1)

- Đề tài đã kết hợp, ứng dụng, khai thác tối đa các cơ sở dữ liệu rất lớn hiện có tại Công ty Điện lực Đà Nẵng, như hệ thống thu thập số liệu công tơ từ xa qua sóng di động, hệ thống quản lý thông tin khách hàng CMIS, hệ thống thu thập số liệu từ xa đầu nguồn DSPM. 

-  Đề tài được nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu nghiên cứu phụ tải theo Thông tư số 33/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định nội dung, phương pháp, trình tự và thủ tục nghiên cứu phụ tải điện.

3. Hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và xã hội của đề tài

Hiệu quả về kỹ thuật 

- Chương trình đã tính toán kết quả ước lượng biểu đồ nhóm phụ tải, thành phần phụ tải với độ tin cậy thống kê lựa chọn là 95%; các thông số đặc trưng của biểu đồ phụ tải ngày đêm và biểu đồ phụ tải kéo dài như Pmax, Kdk, Tmax, τ; tính toán cơ cấu thành phần phụ tải, nhóm phụ tải. Đồng thời các kết quả được biểu diễn bằng các biểu đồ trực quan. 

- Đề tài đã sử dụng phương pháp nghiên cứu thực nghiệm để chứng tỏ độ tin cậy của phương pháp thống kê ước lượng biểu đồ phụ tải, đó là số liệu ước lượng biểu đồ phụ tải tổng gần đúng với số liệu phụ tải tổng đầu nguồn có được từ hệ thống thu thập từ xa DSPM, chênh lệch này bao gồm sai số ước lượng và tổn thất công suất ở đầu nguồn đến khách hàng sử dụng điện. (hình 2)

Hiệu quả xã hội 

- Kết quả biểu đồ các thành phần phụ tải, nhóm phụ tải từ đề tài là cơ sở để phục vụ quản lý nhu cầu tiêu thụ DSM, thiết kế cấu trúc biểu giá điện, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường. Đây là một vấn đề mang lại hiệu quả lớn và mang tính toàn cầu. 

- Kết quả biểu đồ thành phần phụ tải, nhóm phụ tải cùng với các thông số đặc trưng có được từ đề tài là cơ sở để dự báo phụ tải, quy hoạch, thiết kế, vận hành hệ thống điện, góp phần đảm bảo tính tối ưu bài toán kinh tế - kỹ thuật, cung cấp điện tin cậy, đảm bảo an ninh năng lượng.

- Kết quả biểu đồ phụ tải kéo dài năm có được từ đề tài là cơ sở quan trọng để tính toán kỳ vọng điện năng thiếu hụt (expected energy not served - EENS), đây là một đại lượng quan trọng để đánh giá độ tin cậy của hệ thống điện. (hình 3, 4)

Hiệu quả kinh tế 

- Phần mềm nghiên cứu phụ tải bằng Access tự xây dựng từ Đề tài sẽ giúp tiết kiệm chi phí rất lớn khi không cần phải mua phần mềm của nước ngoài.

4. Khả năng áp dụng
- Đề tài không chỉ được áp dụng ở Công ty Điện lực Đà Nẵng, mà còn có thể được triển khai áp dụng cho các công ty điện lực khác trong cả nước, các tổng công ty điện lực miền, các trung tâm điều độ hệ thống điện miền/ quốc gia và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tập đoàn có thể xây dựng phần mềm chung để áp dụng thống nhất trên cả nước.

- Chương trình nghiên cứu phụ tải có thể được sử dụng tại các phòng/ ban điều độ, kế hoạch, kỹ thuật, kinh doanh của các công ty điện lực/ tổng công ty điện lực miền.

- Kết quả từ chương trình nghiên cứu phụ tải có thể được sử dụng tại Cục Điều tiết Điện lực để nghiên cứu xây dựng cấu trúc biểu giá điện hợp lý. 


  • 19/09/2016 04:02
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 12501